ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
HOA NGHIÊM KINH
Phẩm Nhập Pháp Giới
Thứ ba mươi chín
Hán Dịch: Ðại Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà
Việt Dịch: Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH
Diễn Giảng
PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
Ngày 29 tháng 4 năm 1990
Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ 107 về kinh Hoa Nghiêm tại chùa này.
Trong lần trước, chúng tôi đã đi đến vị thiện tri thức thứ 25 là ngài Bà Tu Mật Đa.
Nhân thể, tôi cũng xin nói thêm về trường hợp của Bà Tu Mật Đa để quý vị có một ý nghĩ rõ ràng về một vấn đề rất phiền toái và hóc búa, nó khiến cho nhiều kẻ tu hành vấp phải, và rơi rụng lả tả như cách hoa đào. Đó là về vấn đề tình dục nam nữ, một vấn đề hiện giờ rất mập mờ trong nhiều tôn giáo. Có một số tôn giáo chủ chương dùng tình dục để đi vào đạo, dùng tình dục để đi đến giải thoát?! Ngay người Tây Tạng cũng vậy, họ có một “phái tay trái” và họ dùng “hành dục ấn,” tức là sự chung đụng nam, nữ để tiến tới giác ngộ. Quí vị có thể đọc những sách của vị Đạt Lai Lạt Ma cũng nói đến chuyện đó.
Ông nói rằng, “hành dục ấn” thì có thật, nhưng không dùng trực tiếp với người nữ ở ngoài mà dùng người nữ ở bên trong, (internal woman), tức là hành giả tưởng tượng ra một vị nữ nhân trong tâm thức rồi hành lạc với vị đó, dùng việc ấy để đi đến giải thoát. Nhưng tất cả những điều đó, theo tôi nghĩ, chỉ toàn là tà kiến thôi, vì thực ra, nếu nghĩ cho cùng thì tất cả những chủ trương quanh co đó chỉ vì người tu hành vẫn nuối tiếc khôn nguôi cái Dục Giới này mà thôi, chứ thực tu thì phải siêu quá Dục Giới và chuyện tình dục. Vì sao? Vì khoái lạc nam nữ là một thứ khoái lạc phù du, nhơ nhớp, hệ lụy ở mức độ thô kệch thấp nhất, tức là sắc ấm. Con đường tu chỉ là phải vượt những khoái lạc thô kệch phù du, để đạt tới những miền an lạc của tâm linh, miên viễn, không hệ lụy. Cường độ của an lạc này còn vượt gấp trăm ngàn lần niềm khoái lạc nam, nữ. Cũng bởi thế, nên những bậc tu hành cao có thể sống một mình trong rừng sâu chỉ để chìm trong những cơn an lạc của định. Tóm lại, cửa ải Dục Giới rất khó vượt, kẻ tu hành thường bị rơi rụng lả tả vì cửa ải này, và Ma Vương chỉ rình họ có kẽ hở để có cơ hội lọt vào thôi.
Nhân loại hiện nay chết chìm trong cơn cuồng vọng khoái lạc của thể chất, và không mấy tin về niềm An lạc kỳ diệu của tâm linh. Nhưng chính tâm linh là một GIỒNG SUỐI AN LẠC VÔ TẬN mà không mấy ai biết đến… Bởi vậy, phải ly sắc ấm và niềm khoái lạc ấy mới có thể nếm mùi An Lạc trong nhị thiền, tam thiền của thọ ấm và tưởng ấm. Rồi lại ly để bước vào niềm An Lạc vi diệu KHÔNG THỌ của Niết Bàn tịch tĩnh. Rồi lại LY để bước lên niềm DIỆU LẠC VÔ ĐỘNG trong biển Đại Tịch Diệt của Chư Như Lai. Đồng thời tăng trưởng đến vô cùng tận sức ĐẠI TỰ TẠI LỰC để biến hóa độ sanh.
Cho nên tất cả những phái gọi là … “tân tăng” đều chỉ là những kẻ hoa ngôn, xảo ngữ, đều rớt vào tà đạo, cõi của Ma Vương mà không hay biết. Hoặc có hay, biết thì vẫn mập mờ đánh lận con đen, và rất sợ ĐỌC KINH LĂNG NGHIÊM… Vì sao thế?! Vì nếu còn máu mủ tinh huyết bầy nhầy thì làm sao có thể đạt tới những tầng lớp sâu kín của tâm linh được? Vì vậy, nên Bồ Tát Bà Tu Mật Đa mới phải thị hiện làm dâm nữ cốt rửa sạch “ly tham dục tế” cho chúng sanh. Trong kinh hay nói ẩn, nên có nhiều người đọc kinh hay ngộ nhận. Như nói ngài Duy Ma Cật có vợ con, hay nói đến BàTu Mật Đa, hoặc trong kinh Đại định Thủ Lăng Nghiêm, có vị Bồ Tát đắc được như huyễn tam muội rồi, ngài lên chơi cung Ma thuyết pháp cho mấy trăm ma nữ nghe, trong kinh có kể ngài “du hí” với các ma nữ ấy v.v…, nên rất nhiều người ngộ nhận nghĩ rằng có thể chung đụng với người nữ được (vì trong kinh nói rõ thế mà!). Đó là một sự lầm lẫn rất lớn. Vì sự “du hí” ấy, đó không phải là du hí thường theo lối nam nữ của thế gian này, mà là du hý trong tam muội và tâm linh để thị hiện độ sanh mà thôi.
Ngày xưa, ngài Song khapa là vị trưởng môn của một phái Tây Tạng, ông từ chối lối tu theo “hành dục ấn,” vì đó không phải đường lối đi đến giải thoát. Vì vậy nên hiểu rằng xúc giác rất ghê gớm, ít người có thể vượt nổi. Còn trong kinh nói đến những chuyện thị hiện lại khác nữa, như ngài Bà Tu Mật Đa chỉ có cầm tay, nháy mắt thôi và không có đến việc gần gũi nam nữ, xuất tinh v.v… Những điểm này từ xưa ít có ai dám nói, nên ta phải phân biệt rõ sự đúng sai để có thể tiến tu.
BÂY GIỜ XIN ĐI VÀO VỊ THIỆN TRI THỨC THỨ 26.
26.- CƯ SĨ TỲ SẮC CHI LA
Này thiện nam tử ! Ta chỉ được môn Bồ Tát giải thoát "BẤT BÁT NIẾT BÀN TẾ" này.
Bấy giờ Thiện Tài đi lần về phương Nam, đến thành Thiện Ðộ, vào nhà CƯ SĨ TỲ SẮC CHI LA, đảnh lễ chân Cư sĩ, chắp tay thưa rằng :
Bạch đức Thánh ! Tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo ?
Tôi nghe đức Thánh khéo dạy bảo, xin chỉ dạy cho. Cư sĩ nói :
Này thiện nam tử ! Ta được môn Bồ Tát giải thoát tên là "Bất bát Niết bàn tế".
Này thiện nam tử ! Ta chẳng nghĩ rằng : Ðức Như Lai đó đã nhập Niết bàn, đức Như Lai đó hiện nhập Niết bàn, đức Như Lai đó sẽ nhập Niết bàn.
Ta biết mười phương tất cả thế giới chư Phật Như Lai rốt ráo không có đức Phật nào nhập Niết bàn, chỉ trừ ra khi vì điều phục chúng sanh mà thị hiện thôi.
Này thiện nam tử ! Lúc ta mở cửa tháp của đức Chiên Ðàn Tòa Như Lai, ta liền được tam muội tên là "Phật chủng vô tận".
Này thiện nam tử ! Trong mỗi niệm ta nhập tam muội này, trong mỗi niệm ta biết được vô lượng sự thù thắng.
Thiện Tài thưa :
Bạch đức Thánh ! Tam muội đó, cảnh giới thế nào ?
Cư sĩ nói :
Nay thiện nam tử ! Ta nhập tam muội này, theo thứ đệ, thấy tất cả chư Phật ở thế giới này.
Như là thấy đức Ca Diếp Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật,Câu Lưu Tôn Phật, Thi Khí Phật, Tỳ Bà Thi Phật, Ðề Xá Phật, Phất Sa Phật, Vô Thượng Thắng Phật, Vô Thượng Liên Hoa Phật.
Trong khoảng một niệm, được thấy trăm đức Phật, ngàn đức Phật, thấy trăm ngàn đức Phật, thấy ức Phật ngàn ức Phật, thấy trăm ngàn ức Phật, thấy a giu đa ức Phật, thấy na do tha ức Phật. Nhẫn đến thấy bất khả thuyết bất khả thuyết thế giới vi trần số Phật.
Cũng thấy chư Phật đó lúc mới phát tâm gieo những căn lành, được thắng thần thông, thành tựu đại nguyện, tu hành diệu hạnh, đủ ba la mật, nhập Bồ Tát địa, được thanh tịnh nhẫn, xô dẹp quân ma thành Ðẳng Chánh Giác, quốc độ thanh tịnh, chúng hội đạo tràng, phóng đại quang minh, chuyển diệu pháp luân, thần thông biến hiện nhiều thứ sai biệt. Ta đều có thể thọ trì, có thể ghi nhớ, có thể quán sát phân biệt hiển thị tất cả.
Thuở vị lai đức Di Lặc Phật v.v.. tất cả chư Phật cũng như vậy.
Thiện tại đức Tỳ Lô Giá Na Phật v.v.. tất cả chư Phật cũng như vậy.
Như tại thế giới này, mười phương tất cả thế giới tất cả tam thế chư Phật, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát cũng đều như vậy.
Này thiện nam tử ! Ta chỉ được môn Bồ Tát giải thoát "BẤT BÁT NIẾT BÀN TẾ" này.
Như chư đại Bồ Tát dùng nhứt niệm trí biết khắp tam thế, một niệm vào khắp tất cả tam muội. Như Lai trí nhựt hằng chiếu tâm các Ngài. Nơi tất cả pháp không có phân biệt. Biết tất cả Phật thảy đều bình đẳng. Như Lai cùng ta và tất cả chúng sanh bìng đẳng không sai khác. Biết tất cả pháp tự tánh thanh tịnh, không tư lự, không động chuyển, mà có thể vào khắp tất cả thế gian, lìa những phân biệt, trụ Phật pháp ấn, đều có thể khai ngộ tất cả chúng sanh.
Ta thế nào biết được nói được công đức hạnh đó.
Này thiện nam tử ! Phương Nam đây có tòa núi tên là Bổ Ðát Lạc Ca. Núi ấy có Bồ Tát tên là Quán Tự Tại.
Ngươi đến đó hỏi Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo ?
Cư sĩ liền nói kệ rằng :
Trên biển có núi tên Thánh Hiền.
Châu báu làm thành rất thanh tịnh
Hoa quả rừng cây đều sung mãn
Suối chảy ao mát đều đầy đủ.
Dũng mãnh Trượng Phu Quán Tự Tại
Vì độ chúng sanh ở núi này
Ngươi nên đến hỏi các công đức
Bồ Tát sẽ dạy đại phương tiện.
Thiện Tài đồng tử đảnh lễ chân Cư sĩ Tỳ Sắc Chi La, hữu nhiễu vô lượng vòng, ân cần chiêm ngưỡng từ tạ mà đi.
KINH: Này thiện nam tử, phương Nam đây có thành Thiện Độ…
GIẢNG: Ta nên để ý tên các thành đều phần nhiều nói về cái tâm, và nói về cái bến sông. “Thiện Độ” ở đây là khéo đưa người qua sông sanh tử.
KINH: Trong thành ấy có cư sĩ Tỳ Sắc Chi La. Ông ấy thường cúng dường tháp của đức Chiên Đàn Tòa Như Lai.
GIẢNG: Cúng dường cái tháp thôi, trong đó có xá lợi của Đức Phật Chiên Đàn Tòa.
KINH: Thiện Tài đảnh lễ chân Bà Tu Mật Đa nữ…, đi lần về phương Nam đến thành Thiện Độ vào nhà cư sĩ Tỳ Sắc Chi La đảnh lễ chân cư sĩ chắp tay thưa rằng: Bạch đức thánh tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề…
GIẢNG: ở đây tôi xin nói thêm điểm này, từ trước đến nay, từ vị thiện tri thức đầu tiên đến vị thứ 26 phần nhiều đều thọ sanh làm người, nên khi Thiện Tài tới thì nhìn thấy rất dễ. Nhưng riêng ngài Đức Vân lúc đầu, Thiện Tài phải quán bảy ngày mới thấy ngài, vì tuy ngài thọ sanh làm người nhưng lúc bấy giờ Thiện Tài vẫn còn ở bậc sơ học, thiên nhãn chưa đủ nên phải quán bảy ngày mới thấy ngài Đức Vân. Nhưng sau đó, Thiện Tài càng ngày càng khá thêrn thì trong 25, 26 vị đầu Thiện Tài gặp rất dễ dàng, đến là trông thấy ngay. Nhưng từ vị thiện tri thức thứ 29 trở đi thì thường là những vị thị hiện trong một sắc thân vi diệu hơn, ngoại trừ một vài vị thị hiện thân người do lòng từ bi, (như ngài Quán Thế Âm và một vài vị khác). Như vị thiện tri thức thứ 29 là một vị Chủ Dạ Thần tên là Đại Thiên, rồi sau vị này có khoảng mười vị thị hiện làm nữ nhân mà trong đó có tám vị đều là Chủ Dạ Thần. “Chủ Dạ Thần” là những vị chủ ban đêm, những vị này rất khó nhìn thấy, đôi khi phải quán tưởng lâu mới thấy được. Thường các vị Chủ Dạ Thần có thân rất lớn, trùm cả hư không, trong thân các ngài có đủ tinh tú, trăng, sao… Nên phải quán tưởng lâu mới thấy ngài. Thường các vị chủ dạ thần gia trì cho chúng ta nhìn thấy ngài trong lúc ngủ nhiều hơn, mà phần đông đều thị hiện là nữ nhân. Nên ta đừng tưởng lầm rằng đạo Phật miệt thị nữ nhân, vì trong kinh Hoa Nghiêm kể rõ một loạt thiện tri thức toàn là nữ nhân mà vị nào cũng rất cao. Nên ta phải hiểu, ở mức độ thấp, Đức Phật nói người nữ nghiệp nặng, đa đoan quắt quéo để cảnh giác. Nhưng khi lên trên cao, người nữ lại bay bổng, nên chúng ta đừng nên nghiêng vào sự phân biệt cố chấp. Trong kinh Đại Bảo Tích kể, có nhiều vị nữ nhân rất ghê gớm, có thể ngồi nói chuyện ngang hàng với ngài Văn Thù.
Trở lại cái việc nhìn thấy một vị thiện tri thức hoặc Đức A Di Đà, đó là một vấn đề rất khó khăn, phải do túc duyên từ nhiều kiếp hoặc do công phu tu tập và lòng chí thành mới được gặp. Từ vị thiện tri thức thứ 29 đến vị thứ 42 thì tương đối hơi khó nhìn thấy, từ vị thứ 42 trở đi thì tương đối dễ nhìn thấy hơn vì các vị đó thị hiện làm người một cách bình thường nên khi Thiện Tài tới là trông thấy ngay. Nhưng đến vị thứ 53 là ngài Phổ Hiền thì khó ghê gớm, Thiện Tài phải quán tưởng rất lâu mới thấy được. Vì vậy, trong đạo Phật luôn luôn đi theo vòng trôn ốc, chỗ thì xuất gia hơn tại gia, vòng lên trên thì không cần phải xuất gia lắm, cao hơn nữa thì xuất gia hay tại gia cũng vậy thôi. Như căn cơ chúng ta bắt đầu rất thấp, muốn đắc quả A La Hán thì bắt buộc phải xuất gia, nhưng lên quá cái mức ấy thì xuất gia hay tại gia cũng đều được, vì tùy theo tâm thức để độ sanh… Cũng giống như việc nhìn thấy các vị thiện tri thức dễ hay khó, cứ một lớp nhìn thấy dễ, sau đó lại một lớp nhìn thấy khó, cứ thế chùng chùng lớp lớp, từng chu kỳ một mà bao giờ cũng chồng chất lên nhau. Đến ngài Di Lặc, Thiện Tài phải quán mấy ngày mới thấy, vì ngài Di Lặc tượng trưng cho tàng thức đương chuyển thành Bạch tịnh thức. Rồi đến ngài Văn Thù lại còn khó hơn nữa, Thiện Tài không nhìn thấy được ngài Văn Thù, ngài chỉ đứng xa 110 thành dơ tay xoa đảnh Thiện Tài thôi chứ không hiện, nên Thiện Tài không thể nhìn thấy ngài Văn Thù mà chỉ nhìn thấy cái tay của ngài Văn Thù thôi, vì ngài Văn Thù là Căn bản trí. Rồi đến ngài Phổ Hiền, Thiện Tài phải quán mãi mấy ngày mấy đêm mới thấy ngài Phổ Hiền ngồi cạnh, vì ngài Phổ Hiền tượng trưng cho Hạnh nguyện hải viên mãn. Vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng, sở dĩ nhìn thấy được thiện tri thức hay không, một là do sức của mình thanh tịnh, có tâm nhãn nhìn thấy, vào được thức ấm, tức là tàng thức thứ 8. Hai là do sức gia trì của các ngài thì mới có thể thấy được. Vì các vị đại Bồ tát như ngài Quán Thế Âm, ngài Phổ Hiền, ngài Văn Thù v.v… trụ xứ của các ngài rất vi diệu, vì diệu sắc thân các ngài dệt bằng những quang minh rất vi diệu, nên nếu các ngài không gia trì thì không thể nào chúng ta thấy được ngài… Do đó pháp môn Tịnh Độ cũng là một thứ thiền nhưng có sức Đại Bi giúp đỡ, nên chúng ta không phải đi vào một con đường thiền quán chông gai, cần khổ nhiều ma chướng như những con đường thiền khác… Còn điểm thứ hai trên đại cương, chúng ta cũng cần phải biết là Thiện Tài luôn luôn đi về phương Nam, tức là đi vào nhân gian. Theo Mật Tông phương Nam tượng trưng cho sự độ sanh đến chỗ cực độ. Tuy nhiên, trong kinh kể Thiện Tài có hai lần đi trở về phương bắc. Lần đầu Thiện Tài đi về phương bắc để gặp vi thiện tri thức thứ 30, đó là ngài Địa Thần An Trụ, vì ngài ở chỗ Bồ Đề Đạo Tràng, lần thứ hai Thiện Tài lại trở về phương bắc để giữa đường gặp ngài Văn Thù, rồi cuối cùng gặp ngài Phổ Hiền ở ngay phương bắc tức là ở Bồ Đề Đạo Tràng, về phương Bắc tức là về nơi Tâm Tịch Diệt…
Trong bước đi của ngài Thiện Tài, chúng ta cần để ý xem ngài đã làm gì để được thấy các vị thiện tri thức đó, để ta biết sẽ phải làm gì để thấy được ngài Quán Thế Âm, hay Đức A Di Đà lúc ta sắp lâm chung.
Vì vậy lộ trình biện chứng của nhà Phật là một lộ trình xoáy trôn ốc mà càng ngày càng cao lên.
Trở về với kinh Hoa Nghiêm ở ngài cư sĩ Tỳ sắc Chi La, ngài chuyên tu cúng dường cái tháp trong đó có xá lợi của Phật Chiên Đàn Tòa.
KINH: Này thiện nam tử, ta được môn giải thoát tên là “Bất bát niết bàn tế.”
GIẢNG: “Bất bát niết bàn tế” nghĩa là không có ai vào niết bàn cả. Tế có nghĩa là một khoảng rất nhỏ bé vi tế, là khoảng chỗ nào đó. Thường chúng ta đọc kinh thấy có chư Phật đản sanh, lớn lên, thành đạo, thuyết pháp rồi nhập niết bàn v.v… Nhưng trong Hoa Nghiêm thì nói không có chư Phật nào vào Niết Bàn cả, vì sao? Vì tâm ngài lúc nào cũng trụ Niết Bàn, còn thân lúc nào cũng hiện bời bời ở nơi sanh tử.
KINH: Nầy thiện nam tử, ta chẳng nghĩ rằng Đức Như Lai đó đã nhập Niết Bàn, đức Như Lai đó hiện nhập Niết Bàn, đức Như Lai đó sẽ nhập Niết Bàn. Ta biết mười phương tất cả thế giới Chư Phật rốt ráo không có đức Phật nào nhập Niết Bàn, chỉ trừ ra khi vì điều phục chúng sanh mà thị hiện thôi.
Này thiện nam tử, lúc ta mở cửa tháp của đức chiên Đàn Tòa Như Lai, ta liền được tam muội tên là “Phật chủng vô tận.”
GIẢNG: Trong kinh Pháp Hoa cũng kể rằng, đức Phật nói rõ, ta không phải nhập Niết Bàn mà chỉ là thị hiện nhập Niết Bàn thôi, để dạy chúng sanh biết nhớ ta, biết khát vọng mà khởi tâm tu hành. Vì lúc nào, ngài cũng hóa thân nườm nượp để độ sanh. Ngài lúc nào cũng ở Niết Bàn, đồng thời lúc nào cũng ở sanh tử, vì thế mới gọi là Phật, (thiện thệ, khéo qua lại). Vì vậy, tôi vẫn hay nói đến sự song chiếu, thiện thệ. Đối với người ở trần gian phải thị hiện như thế, Đức Phật không thành chánh Giác ở nhân gian, vì trong kinh Tâm Địa Quán ngài nói rõ rằng: “Ta thành chánh Giác ở trên đảnh tầng trời Sắc Cứu Cảnh.” Ngài tới đó là vị Bồ Tát địa thứ mười, ngồi nơi Kim Cang Định trong bao nhiêu kiếp để thuyết pháp cho các Bồ Tát khác rồi thành chánh Giác ở đó. Sở dĩ ngài thị hiện thành Chánh Giác ở dục giới là để khích lệ loài người nghĩ rằng, vị đó là người mà thành Phật thì ta nay cũng đi tu, đến một ngày nào đó cũng thành Phật được. Nhưng thật ra, vị Bồ Tát bực thập địa ấy khi ở trên đảnh trời sắc Cứu Cánh ngồi trên bông liên hoa rất lớn, phóng hào quang khắp tất cả cõi, mời tất cả các vị Bồ Tát khác vân tập, thuyết pháp từ hạng sơ địa đến đệ cửu địa rồi vào Kim Cang Định và thành Chánh Giác ở đó. Còn việc ngài đản sanh, lớn lên, đi tu, thành Phật, vào Niết Bàn v.v… ở cõi nhân gian này đều chỉ là thị hiện. Tất cả những gì xảy ra trong nhân gian này đều chỉ là hình bóng mà thôi. Ngay cả đến một tai nạn xe hơi xảy ra cho mình, nó đã hiện trên bình diện thọ ấm trước, sau đó mới lọt xuống bình diện sắc ấm. Vì vậy, nếu người có tâm nhãn, họ sẽ nhìn thấy được trước tất cả những việc sẽ xảy ra. Nên phải hiểu tất cả đều chỉ là huyễn mộng, ảnh tượng mà thôi. Ngay đức Phật ra đời ở thế gian này cũng là ảnh tượng, nhưng vì chúng ta mang một thân tâm và nhãn căn thô kệch, nên chấp cái đó là thật có. Kẻ nào chưa tin, hiểu như vậy thì dù có đọc một trăm cuốn kinh cũng chỉ là tu quanh quẩn trong vòng hữu tướng thôi. Vì vậy, đức Phật mới bảo rằng, cõi này tạm gọi là cõi chứ không phải là cõi, vi trần chỉ tạm gọi là vi trần chứ không phải vi trần v.v… Do đó, nền biện chứng của nhà Phật như có vẻ mâu thuẫn, nên nhiều nhà ngoại đạo đều ngớ ra hết, than phiền rằng: “Sa Môn Cù Đàm ăn nói rối loạn, khi thì nói có ngã, khi lại nói không ngã.”
Trở lại ngài Tỳ sắc Chi La, ngài là một vị Bồ Tát khá lớn, ngài chuyên tu theo hạnh lễ lạy tháp của Đức Phật Chiên Đàn Tòa Như Lai, nên chứng môn tam muội biết rõ tất cả chư Như Lai không ai rốt ráo nhập Niết Bàn, vì lúc nào các ngài đều ở trong niết bàn và cũng đồng thời ở sinh tử để độ sanh.
Cũng giống như trong kinh Pháp Hoa, cái tháp đó có hai nghĩa. Nghĩa đen là có xá lợi của đức Phật đứng trong tháp và cũng có một vị bồ tát tới lui thờ cúng thật. Nhưng còn có một nghĩa bóng là tháp đó là cái vỏ ở ngoài, tượng trưng cho sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và ngay cả thức ấm rất vi diệu, nhưng vẫn là cái vỏ ở ngoài, còn ở trong là Xá Lợi, tức là Như Lai Tạng Xuất Triền, là Pháp thân, là Chân Tâm. Ngài mở tháp tức là ngài tu theo kinh Lăng Nghiêm, là tu như huyễn tam ma đề, đi ngược năm màn sương mù vào được diệu tâm ấy, cũng như gặp được xá lợi Phật. Lúc đó, ngài thấy được Pháp Thân Như Lai, ngài biết pháp thân ấy là Phật chủng vô tận, tất cả chư Phật đều khởi lên từ pháp thân ấy. Đồng thời, ngài thấy rõ Chư Phật vừa trụ Niết Bàn, vừa ở sanh tử, nên chẳng có Phật nào nhập niết bàn rốt ráo cả. Vì vậy ngài đắc được môn tam muội là “bất bát niết bàn tế.”
KINH: Này thiện nam tử, ta nhập môn tam muội này theo thứ đệ thấy tất cả chư Phật ở thế giới này. Như là thấy đức Ca Diếp Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Câu Lưu Tôn Phật, Thi Khí Phật, Tỳ Bà Thi Phật, Đề Xá Phật, Phất Sa Phật, Vô Thượng Thắng Phật, Vô Thượng Liên Hoa Phật.
GIẢNG: Hiền kiếp này có bốn vị Phật : Ca Diếp Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni, Câu Lưu Tôn và đức Thích Ca Mâu Ni Phật, còn các vị Thi Khí Phật, Tỳ Bà Thi Phật, Đề Xá Phật, Phất Sa Phật, Vô Thượng Thắng Phật v.v… là những Phật thuộc về quá khứ gọi là Trang Nghiêm Kiếp.
KINH: … Thuở vị lai, Đức Di Lặc Phật v.v…, tất cả Chư Phật cũng như vậy.
GIẢNG: Ngài thấy cả Phật quá khứ, Phật vị lai, Phật hiện tại. Có nghĩa rằng tam thế đối với ngài là một, hiện tiền ngay trước mắt.
KINH: Hiện tại đức Tỳ Lô Giá Na Phật v.v… tất cả chư Phật cũng như vậy.
GIẢNG: Ngài muốn nói rằng, những vị Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, ngài đều thấy cả, mà không có vị Phật nào rốt ráo nhập niết bàn… Chúng ta cần nhớ thêm rằng trong hiền kiếp này, sẽ có một ngàn vị Phật ra đời. Trong quá khứ đã ra đời bốn vị rồi, kiếp thứ mười thì có đức Di Lặc là năm vị, rồi bẵng đi mấy kiếp, ( mỗi một kiếp là 16 triệu năm) không có Phật, đến kiếp thứ 15 mới có một vị Phật ra đời, rồi lại bặt đi cho đến kiếp thứ 20 thì có 994 vị Phật ra đời, vị Phật cuối cùng tên là Lâu Chí, sau đó sẽ đến kiếp hoại. Như vậy, ta hiểu rõ, tất cả chỉ là biến hiện để độ sanh.
Sau này khi kinh kể đến lúc Thiện Tài gặp ngài Di Lặc, thì ngài Di Lặc cũng đến mở cái tháp. Ngài “đàn chỉ” (búng ngón tay), là tháp mở. Nhưng “đàn chỉ” ở đây có nghĩa bóng là phủi bỏ tất cả những tập quán nhận thức suy xét thông thường của mình, những tâm tư, sự thấy nghe, cái mắt không nhìn thấy vọng duyên bên ngoài, tai không nghe tiếng, năm căn rút sâu vào đến thức ấm và cái tháp diệu trang nghiêm chính là Thức Âm Vi Diệu…
27.- BỒ TÁT QUÁN TỰ TẠI
Này thiện nam tử ! Ta chỉ được môn Bồ Tát “ĐẠI BI HẠNH” này.
Lúc đó, Thiện Tài đồng tử nhất tâm tư duy lời dạy của Cư sĩ. Nhập tạng Bồ Tát giải thoát ấy. Ðược suất Bồ Tát tùy niệm ấy. Thọ trì thứ lớp danh hiệu của chư Phật ấy. Quán sát diệu pháp của chư Phật ấy nói. Biết chư Phật ấy đầy đủ trang nghiêm. Thấy chư Phật ấy thành Ðẳng Chánh Giác. Rõ bất tư nghì nghiệp của chư Phật ấy.
Thiện Tài đi lần đến núi Phổ Ðà tìm BỒ TÁT QUÁN TỰ TẠI.
Trong gành đá phía Tây, suối chảy lóng lánh, rừng cây rậm rợp, cỏ thơm mềm nhuyễn trải mặt đất.
Ðức Quán Tự Tại Bồ Tát ngồi kiết già trên tảng đá kim cang bửu. Xung quanh có vô lượng Bồ Tát cũng ngồi trên bửu thạch.
Bồ Tát Quán Tự Tại vì chúng Bồ Tát mà tuyên nói pháp đại từ bi, khiến nhiếp thọ tất cả chúng sanh.
Thiện Tài xem thấy vui mừng hớn hở, chắp tay nhìn kỹ, mắt không nháy, tự nghĩ rằng :
Thiện tri thức là Như Lai. Thiện tri thức là mây tất cả pháp. Thiện tri thức là tạng công đức. Thiện tri thức rất khó gặp. Thiện tri thức là nhơn duyên sanh Thập lực. Thiện tri thức là đuốc trí vô tận. Thiện tri thức là mầm gốc phước đức. Thiện tri thức là cửa Nhứt thiết trí. Thiện tri thức là trí hải Ðạo Sư. Thiện tri thức là công cụ trợ đạo đến Nhứt thiết trí.
Nghĩ xong, Thiện Tài đến chỗ Quán Tự Tại Bồ Tát.
Bồ Tát thấy Thiện Tài liền nói :
Lành thay thiện nam tử ! Ngươi phát tâm Ðại thừa nhiếp khắp chúng sanh. Ngươi khởi tâm chánh trực chuyên cầu Phật pháp. Ngươi có đại bi thâm trọng cứu hộ tất cả. Phổ Hiền diệu hạnh nối tiếp hiện tiền. Ðại nguyện thâm tâm viên mãn thanh tịnh. Siêng cầu Phật pháp có thể lãnh thọ tất cả. Chứa nhóm thiện căn hằng không nhàm đủ. Ngươi thuận thiện tri thức chẳng trái lời dạy. Từ biển lớn công đức trí huệ của Văn Thù Sư Lợi mà sanh. Tâm ngươi thành thục được thế lực của Phật. Ðã được tam muội quang minh quản đại. Chuyên tâm mong cầu diệu pháp thậm thâm. Thường thấy chư Phật tâm rất hoan hỷ. Trí huệ thanh tịnh như hư không. Ðã tự sáng tỏa lại vì người mà diễn nói. An trụ trí huệ quang minh của Như Lai.
Lúc đó Thiện Tài đồng tử đảnh lễ chân Quán Tự Tại Bồ Tát, hữu nhiễu vô số vòng, chắp tay cung kính thưa rằng :
Bạch đức Thánh ! Tôi đã phát tâm vô thượng Bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo ?
Tôi nghe đức Thánh khéo dạy bảo, xin chỉ dạy cho.
Bồ Tát nói :
Lành thay ! Lành thay ! Này thiện nam tử ! Ngươi đã có thể phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Này thiện nam tử ! Ta đã thành tựu Bồ Tát đại bi hạnh giải thoát môn.
Này thiện nam tử ! Ta dùng môn Bồ Tát đại bi hạnh này bình đẳng giáo hóa tất cả chúng sanh tiếp nối chẳng dứt.
Này thiện nam tử ! Ta trụ nơi môn đại bi hạnh này thường ở chỗ tất cả chư Phật, hiện khắp trước tất cả chúng sanh. Hoặc dùng bố thí, hoặc dùng ái ngữ, lợi hành, đồng sự để nhiếp thủ chúng sanh. Hoặc hiện sắc thân nhiếp thủ chúng sanh. Hoặc hiện những sắc bất tư nghì quang minh thanh tịnh để nhiếp thủ chúng sanh. Hoặc dùng âm thanh, hoặc dùng oai nghi, hoặc vì họ thuyết pháp, hoặc hiện thần biến, làm cho tâm họ tỏ ngộ mà được thành thục. Hoặc vì họ mà hiện thân đồng loại cùng họ ở chung mà thành thục họ.
Này thiện nam tử ! Ta tu hành môn đại bi hạnh này, nguyện thường cứu hộ tất cả chúng sanh, nguyện tất cả chúng sanh khỏi sợ con đường hiểm, khỏi sợ nhiệt não, khỏi sợ mê hoặc, khỏi sợ trói buộc, khỏi sợ sát hại, khỏi sợ nghèo cùng, khỏi sợ chẳng sống, khỏi sợ tiếng xấu, khỏi sợ sự chết, khỏi sợ đại chúng, khỏi sợ ác thú, khỏi sợ tối tâm, khỏi sợ dời đổi, khỏi sợ ái biệt ly, khỏi sợ oán thù gặp, khỏi sợ thân bức bách, khỏi sợ tâm bức bách, khỏi sợ lo buồn.
Ta lại phát nguyện : Nguyện tất cả chúng sanh hoặc nhớ đến ta, hoặc xưng tên ta, hoặc thấy thân ta, thời đều được khỏi tất cả sự bố úy.
Này thiện nam tử ! Ta dùng phương tiện này làm cho chúng sanh khỏi sự bố úy, lại dạy họ phát tâm Vô thượng Bồ đề trọn chẳng thối chuyển.
Này thiện nam tử ! Ta chỉ được môn Bồ Tát “ĐẠI BI HẠNH” này.
Như chư đại Bồ Tát đã thanh tịnh tất cả nguyện Phổ Hiền, đã an trụ tất cả hạnh Phổ Hiền, thường thật hành tất cả thiện pháp, thường nhập tất cả tam muội, thường trụ tất cả vô biên kiếp, thường biết tất cả tam thế pháp, thường đến tất cả vô biên cõi, thường dứt tất cả chúng sanh ác, thường lớn tất cả chúng sanh thiện, thường tuyệt dòng sanh tử của chúng sanh.
Ta thế nào biết được nói được công đức hạnh đó.
Bấy giờ phương Ðông có Bồ Tát tên là Chánh Thu từ hư không đến thế giới Ta Bà trên đảnh núi Luân Vi Sơn, Bồ Tát này lấy chân ấn đất. Ta bà thế giới chấn động sáu cách, biến thành thất bửu trang nghiêm.
Chánh Thu Bồ Tát phóng ánh sáng nơi thân che chói tất cả mặt nhựt mặt nguyệt. Tất cả quang minh của Thiên, Long, Bát Bộ, Ðế Thích, Phạm Vương Hộ Thế đều như đống mực đen.
Quang minh của Bồ Tát chiếu khắp tất cả địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ, Diêm La Vương, làm cho chúng sanh nơi ác đạo hết khổ, chẳng khởi phiền não, đều rời lo buồn.
Lại khắp tất cả Phật độ mưa tất cả hoa, hương anh lạc, y phục, tràng phan, bửu cái, những đồ trang nghiêm để cúng dường chư Phật.
Lại tùy sở thích của các chúng sanh mà hiện thân khắp trong tất cả cung điện, ai thấy cũng đều hoan hỷ.
Sau đó Chánh Thu Bồ Tát mới đến chỗ của Quán Tự Tại Bồ Tát.
Quán Tự Tại Bồ Tát bảo Thiện Tài rằng :
Ngươi thấy Chánh Thu Bồ Tát đến pháp hội chăng ?
Ngươi nên đến hỏi Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo ?
KINH: Này thiện nam tử phương nam đây có tòa núi tên là Bổ Đặc Lạc Ca. Núi ấy có Bồ tát tên Quán Tự Tại. Ngươi nên đến hỏi bồ tát thế nào học bồ tát hạnh, tu bồ tát đạo. Cư Sĩ liền nói kệ rằng:
Trên biển có núi tên Thánh Hiền
Châu báu làm thành rất thanh tịnh
Hoa quả rừng cây đều sung mãn.
Suối chảy, ao mát đều đầy đủ
Dũng mãnh trượng phu Quán Tự Tại
Vì độ chúng sanh ở núi này
Ngươi nên đến hỏi các công đức
Bồ tát sẽ dạy đại phương tiện.
GIẢNG: Đặc biệt với ngài Quán Thế Âm thì Cư Sĩ Tỳ Sắc Chi La lại nói bài kệ, vì ngài Quán Thế Âm cao siêu quá, ngài Quán Thế Âm không phải là đại thiện tri thức mà là đại đại thiện tri thức. Nhưng tuy thế, khi Thiện Tài đến gặp ngài Quán Thế Âm, ngài lại dạy rất đơn sơ, bình dị, không có gì ghê gớm cả, rồi sau đó, chỉ sang người khác dạy bảo bí quyết của mình, về nhiều vị thiện thức khác, kinh tả những y báo rất lộng lẫy đẹp đẽ nhưng đến ngài Quán Thế Âm lại rất đơn sơ.
KINH: Thiện Tài đi lần đến núi Phổ Đà tìm bồ tát Quán Tự Tại. Trong gành đá phía tây, suối chảy lóng lánh, rừng cây rậm rợp, cỏ thơm mềm nhuyễn trải mặt đất. Đức Quán Tự Tại Bồ Tát ngồi kiết già trên tảng đá Kim Cương Bửu, chung quanh có vô lượng bồ tát cũng ngồi trên bửu thạch. Bồ tát Quán Tự Tại vì chúng bồ tát mà tuyên nói pháp đại từ bi, khiến nhiếp thọ tất cả chúng sanh. Thiện Tài xem thấy vui mừng hớn hở, chắp tay nhìn kỹ, mắt không nháy tự nghĩ rằng: Thiện tri thức là Như Lai, thiện tri thức là mây tất cả pháp…
GIẢNG: Trong kinh tả khi Thiện Tài đến chỗ Quán Tự Tại bồ tát thì tả vườn tược v.v… một cách rất đơn sơ, “rừng cây rậm rạp, cỏ thơm mềm nhuyễn v.v…” vì ngài cao quá không cần phải nói đến những thứ ấy. Sau một cuộc tiếp xúc ngắn ngủi, ngài Quán Thế Âm lại chỉ đến một vị thiện tri thức khác lạ, vị đó lại giải thích cho Thiện Tài nghe bí quyết của bồ tát Quán Thế Âm và của bồ tát giới. Tuy ngài Quán Thế Âm nói đơn sơ nhưng trong đó cũng có nhiều ý nghĩa ghê gớm, ẩn mật. Chúng ta nhớ lại những vị thiện tri thức trước, như bà Hưu Xả, hoặc ngài Bất Động Ưu Bà Di, hay ngài Từ Hạnh, hoặc ngài Sư Tử Tần Thân v.v.. đều có quyến thuộc hay đồng nữ, thể nữ đứng hầu chung quanh rất nhiều nhưng ở đây lại không nói như thế mà nói đơn sơ, nói đến những vị chung quanh, nói rằng có vô lượng bồ tát cùng ngồi trên bửu thạch, vậy thì sự khác nhau giữa đồng nữ đứng hầu và vô lượng Bồ Tát vây quanh chỗ nào? Trong kinh, chữ nào cũng đều mang theo một nghĩa ẩn, có rất nhiều vẻ. Đồng nữ có hai nghĩa, nghĩa ngoài thì có đồng nữ hầu thật, nghĩa trong thì tượng trưng cho cái hạnh của người tu. Như tu theo hạnh bố thí, tu lâu thì hạnh đó trở thành một diệu đức, rồi từ diệu đức ấy dần dần trở thành diệu lực, diệu đức và diệu lực gọi là đà la ni, tức là một khả năng của tâm thức. Tu lên cao nữa thì từ mức độ phi thần hóa chuyển thành một thứ thần hóa, tức thành một vị bồ tát hóa thân để đi độ sanh. Nên chúng ta phải hiểu mức độ cô đọng của tâm vô hình tướng chuyển thành thân có hình tướng. Đi từ chỗ phi thần hóa đến chỗ thần hóa. Tất cả pháp giới đều như thế. Tóm lại, ngài Quán Thế Âm cao quá rồi, khả năng tâm thức của ngài không còn là những diệu đức và diệu lực nữa, mà đã trở thành Vô tác diệu lực. Diệu lực thường chiêu cảm bên ngoài có đồng nữ đứng hầu (hơi giống thế gian). Còn Vô tác diệu lực lại chiêu cảm thành vô lượng Bồ Tát hóa thân bời bời độ sanh. Vì vậy trong kinh, ta cần để ý và hiểu từng chữ một, đến khi hiểu nghĩa rồi mà không thấy vướng thì lúc đó mới gọi là hiểu kinh.
KINH: Bồ tát thấy Thiện Tài nói: “Lành thay thiện nam tử, ngươi phát tâm đại thừa nhiếp khắp chúng sanh. Ngươi khởi tâm chánh trực chuyên cầu phật pháp. Ngươi có đại bi thâm trọng cứu hộ tất cả. Phổ Hiền diệu hạnh nối tiếp hiện tiền…”
GIẢNG: Ngài Quán Thế Âm cũng khác với những vị khác. Đối với các vị thiện tri thức khác, khi Thiện Tài hỏi thì các ngài mới trả lời, còn ngài Quán Thế Âm thì cao quá, Thiện Tài không cần phải hỏi, ngài đã tiếp dẫn luôn. Nhưng sau đó, Thiện Tài cũng hỏi thì ngài Quán Thế Âm nói rằng, “ta tu đại bi hạnh giải thoát môn. Ta dùng ái ngữ lợi hành, dùng bố thí, đồng sự v.v… để nhiếp thủ…” Tất cả cũng giống như trong Phổ Môn đã nói không có gì khác lạ. Nhưng có chỗ hay nhất là ngài chỉ cho Thiện Tài đến gặp vị chánh Thụ bồ tát. Trong kinh tả rất lạ, vị này từ đâu đến mà kinh chỉ nói có mấy chữ thôi (Bồ Tát lấy chân ấn đất), nói về việc khởi vọng, vì sao khởi vọng, tại sao hiện được thần thông…, ngài sẽ giải hết những bí quyết của ngài Quán Thế Âm là đại bồ tát biến hiện ra sao, chúng sanh khởi vọng ra sao?!
28.- CHÁNH THU BỒ TÁT
Này thiện nam tử ! Ta chỉ được
“MÔN GIẢI THOÁT BỒ TÁT PHỔ TẬT HÀNH” này, có thể mau chóng đến tất cả xứ.
Thiện Tài Đồng Tử tuân lời liền đến đảnh lễ chân CHÁNH THU BỒ TÁT, chắp tay cung kính thưa rằng : Bạch đức Thánh ! Tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề mà chưa biết Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh thế nào tu Bồ Tát đạo ?
Tôi nghe đức Thánh khéo dạy bảo xin chỉ dạy cho.
Chánh Thu Bồ Tát nói :
Này thiện nam tử ! Ta được Bồ Tát giải thoát môn tên là "phổ môn tốc tật hành ".
Thiện Tài thưa :
Bạch đức Thánh ! Nơi đức Phật nào được phát môn này ? Cõi của đức Thánh cách đây bao xa ? Từ đó đến đây bao lâu ?
Chánh Thu Bồ Tát nói :
Này thiện nam tử ! Việc này khó biết. Tất cả thế gian không thể rõ được.
Chỉ trừ chư Bồ Tát dũng mảnh tinh tấn không thối không khiếp, đã được tất cả thiện hữu nhiếp thọ, chư Phật hộ niệm, thiện căn đầy đủ, chí nguyện thanh tịnh được căn Bồ Tát có mắt trí huệ, có thể nghe, có thể thọ trì, có thể hiểu, có thể nói.
Thiện Tài thưa :
Bạch đức Thánh ! Tôi thừa thần lực của Phật, của thiện tri thức, có thể tin, có thể thọ. Xin Bồ Tát nói cho .
Bồ Tát nói :
Này thiện nam tử ! Ta từ Ðông phương Diệu Tạng thế giới chỗ đức Khổ Thắng Sanh Phật mà đến cõi này. Ta được pháp môn này ở tại đức Phật ấy. Từ cõi ấy đến đây đã trải qua bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần số kiếp. Trong khoảng mỗi niệm cất bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần số bước. Mỗi bước qua khỏi bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần số cõi Phật. Mỗi cõi Phật, ta đều vào khắp, đến chỗ Phật ngự để cúng dường. Những đồ cúng này đều do tâm vô thượng làm thành, pháp vô tác ấn nên, chư Như Lai hứa khả, chư Bồ Tát khen ngợi.
Này thiện nam tử ! Ta lại thấy khắp tất cả chúng sanh trong những thế giới ấy, đều biết tâm của họ, đều biết căn của họ, theo chỗ hiểu của họ mà hiện thân thuyết pháp. Hoặc phóng quang minh, hoặc ban cho của báu, dùng nhiều phương tiện giáo hóa điều phục không thôi nghỉ.
Như ở phương Ðông, chín phương kia cũng như vậy.
Này thiện nam tử ! Ta chỉ được “MÔN GIẢI THOÁT BỒ TÁT PHỔ TẬT HÀNH” này, có thể mau chóng đến tất cả xứ.
Như chư đại Bồ Tát, khắp mười phương không chỗ nào chẳng đến. Trí huệ cảnh giới đồng nhau không khác. Khéo bủa thân mình khắp pháp giới. Ðến tất cả đạo, vào tất cả cõi, biết tất cả pháp, đến tất cả thế, bình đẳng diễn thuyết tất cả pháp môn. Ðồng thời chiếu diệu tất cả chúng sanh. Ðối với chư Phật chẳng sanh phân biệt. Với tất cả chỗ không bị chướng ngại.
Ta thế nào biết được nói được công đức hạnh đó.
Này thiện nam tử ! Phương Nam đây có thành tên là Ðọa La Bát Ðể. Trong thành có vị thần tên là Ðại Thiện.
Ngươi đến đó hỏi Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo ?
Thiện Tài đồng tử đảnh lễ chân Chánh Thu Bồ Tát, hữu nhiễu vô số vòng, ân cần chiêm ngưỡng từ tạ mà đi.
Xin đọc sơ đoạn kinh dưới đây…
KINH: Bấy giờ phương Đông có bồ tát tên là Chánh Thụ từ hư không đến thế giới Ta Bà trên đảnh núi Luân Vi Sơn… Bồ tát này lấy “chân ấn đất” Ta Bà thế giới chấn động sáu cách, biến thành thất bửu trang nghiêm … Chánh Thụ Bồ Tát phóng ánh sáng nơi thân che chói tất cả mặt Nhựt, mặt Nguyệt. Tất cả quang minh của Thiên, Long, Bát Bộ, Đế Thích, Phạm Vương, Hộ Thế đều như đống mực đen.
Quang minh của bồ tát chiếu khắp tất cả địa ngục, súc sanh, nngạquỉ, Diêm La vương, làm cho chúng sanh nơi ác đạo hết khổ, chẳng khởi phiền não, đều rời lo buồn. Lại khắp tất cả Phật độ mưa tất cả hoa, hương, anh lạc, y phục, tràng phan bửu cái, những đồ trang nghiêm để cúng dường Chư Phật. Lại tùy sở thích của các chúng sanh mà hiện thân khắp trong tất cả cung điện, ai thấy cũng đều hoan hỉ.
Sau đó Chánh Thụ bồ tát mới đến chỗ của Quán Tự Tại Bồ Tát. Quán Tự Tại Bồ Tát mới bảo Thiện Tài rằng:
“Ngươi thấy Chánh Thụ Bồ Tát đến pháp hội chăng, ngươi nên đến hỏi bồ tát thế nào học bồ tát hạnh, thế nào tu bồ tát đạo.”
Thiện Tài đồng tử tuân lời liền đến đảnh lễ chân Chánh Thụ Bồ Tát chắp tay cung kính thưa rằng:
“Bạch đức thánh tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề, mà chưa biết bồ tát thế nào học bồ tát hạnh, thế nào tu bồ tát đạo. Tôi nghe đức thánh khéo dạy bảo. Xin chỉ dạy cho.”
Chánh Thụ bồ tát nói:
“Này thiện nam tử, ta được bồ tát giải thoát môn tên là “Phổ môn tốc tật hành.”
Thiện Tài thưa:
“Bạch đức thánh, nơi Đức Phật nào được pháp môn này? Cõi của đức thánh cách đây bao xa? Từ đó đến đây bao lâu?”
Chánh Thụ bồ tát nói.
“Này thiện nam tử, việc này khó biết. Tất cả thế gian không thể rõ được, chỉ trừ Chư Bồ Tát dũng mãnh tinh tấn không thối, không khiếp, đã được tất cả thiện hữu nhiếp thọ, chư Phật hộ niệm, thiện căn đầy đủ, chí nguyện thanh tịnh, được căn bồ tát, có mắt trí huệ, có thể nghe, có thể thọ trì, có thể hiểu, có thể nói.”
Thiện Tài thưa:
“Bạch đức thánh, tôi thừa thần lực của Phật, của thiện tri thức, có thể tin, có thể thọ. xin bồ tát nói cho.”
Bồ tát nói:
“Này thiện nam tử, ta từ Đông Phương Diệu Tạng Thế Giới, chỗ Đức Phổ Thắng Phật mà đến cõi này. Ta được pháp môn này ở tại Đức Phật ấy. Từ cõi ấy đến đây đã trải qua bất khả thuyết bất khả thuyết vi trần số kiếp. Trong khoảng mỗi niệm có bất khả thuyết bất khả thuyết vi trần số bước. Mỗi bước qua khỏi bất khả thuyết bất khả thuyết vi trần số cõi Phật, mỗi cõi Phật ta đều vào khắp, đến chỗ Phật ngự để cúng dường. Những đồ cúng này đều do tâm vô thượng làm thành, pháp vô tác ấn nên, Chư Như Lai hứa khả, chư Bồ Tát khen ngợi…”
GIẢNG: Bây giờ tôi xin giảng mấy danh từ trước cho quí vị dễ hiểu…
Ngài Chánh Thụ đến từ hư không, đến cõi Ta Bà trên đảnh núi Luân Vi Sơn. Ngài lấy “chân ấn đất” thì Ta Bà thế giới chấn động sau cách biến thành thất bửu trang nghiêm.
Ta được bồ tát giải thoát môn tên là “phổ môn tốc tật hành…” Phổ môn tức là cái cửa cùng khắp, tức là nói về không gian, còn “tốc tật hành” tức là đến rất mau, ý nói về thời gian. Ý đoạn kinh này là ngài đã hóa giải không gian và thời gian. Lúc đầu trong kinh tả rằng : Bấy giờ phương Đông có bồ tát tên là Chánh Thụ từ hư không đến thế giới Ta Bà trên đảnh núi Luân Vi Sơn…, sau ngài lại bảo Thiện Tài rằng: Ta từ Đông Phương diệu tạng thế giới chỗ Đức Phổ Thắng Sanh Phật mà đến cõi này. Ban đầu ngài nói là từ hư không, sau ngài nói từ Diệu Tạng Thế giới, có nghĩa rằng ngài đến từ chỗ không hư của tâm, còn Diệu Tạng thế giới thì cũng giống như trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 31, có kể nhiều lớp thế giới hải, như lớp Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà là lớp thứ 13, đó là lớp tịnh độ thấp rồi lên dần dần, đến cõi Ca Sa Tràng rồi lên dần cao hơn, cao hơn mãi đến cuối cùng là cõi của ngài Thắng Liên Hoa, ở cõi Đức Phật đó chỉ toàn những vị bồ tát như ngài Phổ Hiền ngồi đầy trong đó cả. Chúng ta căn cơ thấp kém, nên phải xin sang Cực Lạc, một cõi tịnh độ trung bình (nếu so với cõi tịnh độ vi diệu khác, nhưng đối với phàm phu chúng ta thì tịnh độ của ngài A Di Đà rất vi diệu, rất khó có thể nhập vào tàng thức của ngài, vì tâm ngài chính là cõi, cần phải có một lòng tin sâu chắc, một sự tha thiết chí thành, cùng sức gia trì của đức Phật A Di Đà mới mong được vãng sanh), lên cao hơn, vào sâu trong thức tâm ấy, còn có nhiều cõi tịnh độ ghê gớm hơn nhiều, mà Tịnh Độ gần như là Diệu Tâm vậy, vì toàn các vị Bồ Tát như ngài Phổ Hiền ngồi, không có những Thanh Văn, hay Bích Chi Phật. Nên trong kinh lúc đầu nói ngài đến từ hư không, tức là điểm tâm hư của cái tâm ấy, đó là nói theo lối phi thần hóa, rồi sau kinh lại nói rõ theo cách tùy thuận thế gian, nói theo lối thần hóa, ngài đến từ Đông Phương Diệu Tạng Thế Giới, chỗ Đức Phật Phổ Thắng Sanh. Phổ là khắp giáp, còn Thắng Sanh cái sanh tối thắng tức là vô sanh, đó là vị Phật Vô Sanh, tức chính là cái tâm vô sanh, lúc nào cũng an nhiên bất động. Tuy tâm vẫn bất động nhưng Chư Phật vẫn khởi tâm từ bi, hiện ra một cõi đẹp cùng cực, nên mới gọi ià Diệu Tạng Thế Giới. Diệu Tạng là tạng của tâm.
Bồ tát này lấy chân ấn đất. Ta Bà thế giới chấn động sáu cách, biến thành thất bửu trang nghiêm. “Chân ấn đất” đây là bí quyết khởi thần thông biến hóa. Nghĩa ngoài là ngài lấy chân ấn đất thật, sau phát quang minh chói lòa khắp nơi che chói tất cả các quang minh của chư Thiên thành như đống mực. Cũng như Đức Thích Ca Mâu Ni, ngồi trong pháp hội Duy Ma Cật, ngài thò ngón chân cái ấn xuống đất, lập tức, cõi Ta Bà này thành thất bửu, thì ngài chánh Thụ cũng làm như vậy. Nhưng còn một nghĩa bóng là “chân” thuộc về thân căn của vị bồ tát đó, tức là thuộc địa đại, nên chân do địa đại, quay lại ấn xuống địa đại. Đất ở đây cũng có thể hiểu là “tâm địa.” Dùng “chân ấn đất” tức là “dùng tâm ấn vào tâm.” Tại sao dùng tâm ấn tâm mà thành ra khởi vọng được? thành biến hóa được?
(Cần nhớ rằng, ở mức phàm phu, khởi tâm niệm chấp trước hữu ngã là khởi vọng. Còn Đại Bồ Tát khởi Tâm Đại Bi Vô Ngã là để biến hóa độ sanh).
Ở đây, ta lại phải nhớ đến kinh Lăng Nghiêm dạy khởi vọng chính là cái niệm mê muội ban đầu, quên rằng chính mình là trong sáng tột bực, lại quay lại soi vào chính mình. Trong khi bậc đại bồ tát lấy tâm ấn tâm thành ra biến hóa trùng trùng để độ sanh, còn chúng sanh lấy tâm soi lại tâm lại thành khởi vọng trùng trùng, giống như anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa, hốt nhiên khởi vọng tự soi gương thấy một cái mặt rất đẹp bèn khởi tâm Ưa thích, rồi cho rằng đó là mặt người khác, còn mình thì không có mặt, có đầu, nên phát cuồng chạy đi kiếm cái đầu của mình, ngờ đâu, nó vẫn sờ sờ ở đó. Và nó chính là pháp giới này vậy, vì pháp giới do chính tâm mình ánh ra.
Pháp giới là do tàng thức khởi lên, và ánh ra. Mỗi chúng sanh đều là một bông hoa quang minh khởi lên từ tâm, từ tàng thức. Lúc đầu trong sáng hồn nhiên, nhưng đến một lúc nào đó nó khởi một vọng niệm muốn chiếu soi, nên tách ra có năng, có sở, tức là có “cái chiếu soi và cái bị chiếu soi.” Đó là khởi vọng. Rồi từ đó kết thành thế giới nhi biên, có tự, có tha, có chúng sanh, có thế giới, rềi trôi lăn hoài mãi nên chúng ta không biết rằng tất cả đều khởi từ tính chân như diệu minh ấy. Đó là nghĩa của chữ “chân ấn đất,” “tâm ấn tâm.” Đó cũng là bí quyết độ sanh của chư Bồ Tát: Bồ Tát lấy chân ấn dất, tức lấy tâm ấn tâm, vì khởi lên một tâm tưởng từ bi muốn cứu độ, nên ngài quay lại ấn vào tâm mình biến ra những hóa thân để độ chúng sanh. Biến hóa cũng là lây tâm ấn tâm… Như một hành giả ngồi thiền cũng thế, dùng tâm soi tâm, rồi tùy theo mức độ nông sâu mà có thể biến hóa nhiều hay ít.
Vị bồ tát này tên là chánh Thụ. Chánh Thụ cũng hơi giống như chữ Thiện Trụ, (Khéo trụ). Trụ trong pháp ây mà không khởi vọng tình, vọng tưởng thì gọi là Chánh ỉ hụ, (có thể hóa giải không gian và thời gian).
KINH: Này thiện nam tử, ta được bồ tát giải thoát môn tên là Phổ môn tốc tật hành.
GIẢNG: Phổ Môn là cùng khắp, hóa giải không gian. Tốc tật là đi thật nhanh, vì thế hóa giải luôn thời gian.
KINH: Này thiện nam tử ta lại thấy khắp tất cả chúng sanh trong những thế giới ấy, đều biết tâm của họ, đều biết căn của họ, theo chỗ hiểu của họ mà hiện thân thuyết pháp. Hoặc phóng quang minh, hoặc ban cho của báu, dùng nhiều phương tiện giáo hóa điều phục không thôi nghỉ. Như ở phương Đông, chín phương kia cũng như vậy. Nầy thiện nam tử, ta chỉ được môn giải thoát bồ tát phổ tật hành này, có thể mau chóng đến tất cả xứ…
…Mỗi bước qua khỏi bất khả thuyết, bất khả thuyết phật.sát vi trần số cõi Phật, mỗi cõi Phật ta đều vào khắp, đến chỗ Phật ngự để cúng dường. Những đồ cúng này đều do tâm vô thượng làm thành.
GIẢNG: “…những đồ cúng này đều do tâm vô thượng làm thành,” có nghĩa đều do tâm ngài biến hóa ra cả, sở dĩ ngài biến hóa được là do tâm vô thượng, theo như Hiển Giáo thì đó là tâm vô niệm, còn theo như Mật tông nói thì đó là tâm bí mật trang nghiêm. Như vậy đủ chứng tỏ rằng cả bộ kinh Hoa Nghiêm thường chỉ nói về sự biến hóa của tâm, và không có pháp nào nhất định, tất cả đều xoay tròn trôn ốc biến hóa. Nên cái tâm không hư ấy, tâm diệu tạng thế giới có đức Phật Vô Sanh ngồi nó biến hóa ghê gớm, tùy ý biến thành những tràng phan bửu cái, hương hoa, chiên đàn, thành những cõi thế giới để cúng dường (tức là cúng dường cái tâm biến hóa) cho Chư Phật mười phương, và cúng dường cái tâm biến hóa tràn đầy thì đó mới chính là chân pháp cúng dường.
29.- THẦN ÐẠI THIÊN
Này thiện nam tử ! Ta chỉ biết “MÔN GIẢI THOÁT VÂN VÕNG” này.
Bấy giờ Thiện Tài nhập Bồ Tát quảng đại hạnh, cầu Bồ Tát trí huệ cảnh, thấy Bồ Tát thần thông sự, niệm Bồ Tát thắng công đức, sanh Bồ Tát đại hoan hỷ, khởi Bồ Tát kiên tinh tấn, nhập Bồ Tát bất tư nghì tự tại giải thoát, hành Bồ Tát công đức, quán Bồ Tát tam muội, trụ Bồ Tát tổng trì, nhập Bồ Tát đại nguyện, được Bồ Tát biện tài, thành Bồ Tát lực.
Thiện Tài đi lần đến thành Ðọa La Bát Ðể tìm đến đảnh lễ chân THẦN ÐẠI THIÊN, chắp tay cung kính thưa rằng :
Bạch đức Thánh ! Tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo ?
Tôi nghe đức Thánh khéo dạy bảo. Xin chỉ dạy cho.
Lúc đó Ðại Thiên đưa bốn tay hứng lấy nước tứ đại hải rửa mặt mình, cầm bông vàng rải trên mình Thiện Tài mà bảo rằng :
Này thiện nam tử ! Tất cả Bồ Tát khó được thấy, khó được nghe, ít hiện ra thế gian, là đệ nhất trong các chúng sanh, là bạch liên hoa trong loài người. Là chỗ nương về của chúng sanh, là chỗ cứu hộ của chúng sanh. Là chỗ an ổn của các thế gian. Là đại quang minh của các thế gian. Chỉ đường chánh an ổn cho kẻ mê lầm. Là đại Ðạo Sư dẫn các chúng sanh nhập Phật pháp môn. Là đại pháp tướng giỏi thủ hộ thành Nhứt thiết trí.
Bồ Tát như vậy rất khó gặp gỡ được. Chỉ có người thân, khẩu, ý ba nghiệp không lỗi mới thấy được hình tượng của chư Bồ Tát và nghe biện tài của các Ngài thuyết pháp, tất cả thời gian thường hiện ra trước.
Này thiện nam tử ! Ta đã thành tựu Bồ Tát giải thoát tên là "Vân Võng".
Thiện Tài thưa :
Bạch đức Thánh ! Cảnh giới của "Vân Võng giải thoát" thế nào ?
Lúc đó Ðại Thiên, ở trước Thiện Tài, thị hiện đống vàng, đống bạc, đống lưu ly, đống pha lê, đống xa cừ, đống mã não, đống hỏa diệm bửu, đống ly cấu tạng bửu, đống đại quang minh bửu, đống phổ hiền thập phương bửu, đống bửu quan, đống bửu ấn, đống bửu anh lạc, đống bửu đương, đống bửu xuyến, đống bửu tỏa, đống bửu châu võng, đống ma ni bửu, đống trang nghiêm cụ, đống như ý ma ni. Tất cả đếu lớn như núi to.
Ðại Thiên lại thị hiện tất cả hoa, tất cả tràng hoa, tất cả hương, tất cả hương đốt, tất cả hương thoa, tất cả y phục, tất cả tràn phan, tất cả âm nhạc, tất cả đồ vui ngũ dục. Mỗi mỗi đều chứa cao như núi. Lại hiện vô số trăm ngàn vạn ức chúng đồng nữ.
Ðại Thiên bảo Thiện Tài rằng :
Này thiện nam tử ! Nên đem những vật này cúng dường đức Như Lai, tu các phước đức và thí cho chúng sanh để nhiếp thủ họ, cho họ tu học Ðàn Ba la mật, có thể xả được thứ khó xa.
Này thiện nam tử ! Như ta vì ngươi mà thị hiện những vật này, dạy ngươi làm việc bố thí, ta vì chúng sanh khác cũng như vậy. Ðều khiến dùng thiện că này để huân tập, cung kính cúng dường Tam bửu và thiện tri thức, thêm lớn pháp lành, phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Này thiện nam tử ! Nếu có chúng sanh tham chấp ngũ dục tự phóng dật, thời ta vì họ mà thị hiện cảnh giới bất tịnh.
Nếu có chúng sanh sân hận kiêu mạn nhiều cạnh tranh, thời ta vì họ mà thị hiện thân hình rất đáng sợ như La Sát uống huyết ăn thịt v.v…cho họ xem thấy mà kinh hãi, tâm ý điều nhu rời bỏ thù oán .
Nếu có chúng sanh hôn trầm lười biếng, thời ta vì họ mà thị hiện những nạn vua, giặc, nước, lửa và các bệnh tật, cho họ kinh sợ biết khổ lo để họ tự cố gắng.
Ta dùng những phương tiện như vậy, khiến chúng sanh bỏ những hạnh bất thiện mà tu pháp lành, trừ tất cả chướng Ba la mật để đầy đủ Ba la mật. Khiến họ vượt khỏi tất cả đường hiểm chướng ngại mà đến chỗ vô ngại.
Này thiện nam tử ! Ta chỉ biết “MÔN GIẢI THOÁT VÂN VÕNG” này.
Như chư đại Bồ Tát dường như Ðế Thích đã có thể dẹp trừ tất cả quân A Tu La phiền não. Dường như đại thủy có thể khắp tiêu diệt lửa phiền não của tất cả chúng sanh. Dường như lửa mạnh có thể khô cạn nước ái dục của tất cả chúng sanh. Dường như đại phong có thể thổi ngã tràng kiến thủ của tất cả chúng sanh. Dường như Kim cang có thể phá vỡ núi ngã kiến của tất cả chúng sanh.
Ta thế nào biết được nói được công đức hạnh đó.
Này thiện nam tử ! Ở nước Ma Kiệt Ðề, trong Bồ đề tràng có Chủ Ðịa Hằng tên là An Trụ.
Người đến đó hỏi Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo ?
Thiện Tài đồng tử đảnh lễ chân thần Ðại Thiên, hữu nhiễu vô số vòng, từ tạ mà đi.
KINH: Này thiện nam tử, phương Nam đây có thành tên là Đọa La Bát Đề…
GIẢNG: Đọa La Bát Đề theo như cụ Tuyên Hóa giảng trong sách tàu đó là trong thành có một cái cửa…
KINH: Trong thành có vị thần tên là Đại Thiên.
GIẢNG: Đến đây, vị thiện tri thức không thị hiện làm người nữa mà thị hiện làm thần, nhất là chủ Dạ Thần.
KINH: Thiện Tài đảnh lễ chân chánh Thụ Bồ Tát, hữu nhiễu vô số vòng, ân cần chiêm ngưỡng từ tạ mà đi. Bây giờ Thiện Tài nhập Bồ Tát quảng đại hạnh, cầu bồ tát trí huệ cảnh, thấy bồ tát thần thông sự, niệm bồ tát thắng công đức, sanh bồ tát dại hoan hỉ, khởi bồ tát kiên tinh tấn, nhập bồ tát bất tư nghi tự tại giải thoát, hành bồ tát công đức, quán bồ tát tam muội, trụ bồ tát tổng trì, nhập bồ tát đại nguyện, được bồ tát biện tài, thành bồ tát lực…
GIẢNG: Khi Thiện Tài đến gặp thiện tri thức thứ 29 này, thì đã học và đắc được nhiều thứ ghê gớm lắm rồi, như “nhập bồ tát bất tư nghi giải thoát, hành bồ tất công đức, trụ bồ tát tổng trì, nhập bồ tát đại nguyên v.v…”
KINH: Thiện Tài đi lần đến thành Đọa La Bát Đề, tìm đến đảnh lễ chân thần Đại Thiên.
GIẢNG: Vị thần này Thiện Tài phải dùng thiên nhãn mới nhìn thấy được ngài, thân ngài rất to lớn như những vị A Tu La Vương, rộng lớn như hư không.
KINH: ... Lúc đó Đại Thiên đưa bốn tay, hứng nước từ đại hải rửa mặt mình, cầm bông vàng trải lên mình Thiện Tài mà bảo rằng: Này thiện nam tử, tất cả bồ tát khó được thấy, khó được nghe, ít hiện ra thế gian, là đệ nhất trong các chúng sanh, là Bạch Liên Hoa trong loài người. Là chỗ nương về của chúng sanh. Là chỗ an ổn của các thế gian. Là đại quang minh của các thế gian. Chỉ đường chánh an ổn cho kẻ mê lầm. Là Đại Đạo Sư dẫn các chúng sanh nhập Phật pháp môn. Là đại pháp tướng giỏi thủ hộ thành nhất thiết trí… Bồ tát như vậy rất khó gặp gỡ. Chỉ có người thân, khẩu, ý ba nghiệp không lỗi mới thấy được hình tượng của chư bồ tát và nghe biện tài của các ngài thuyết pháp, tất cả thời gian thường hiện ra trước.
GIẢNG: Vị thần Đại Thiên có thân rất lớn, đưa bốn tay hứng nước của bốn đại hải rửa mặt mình. Bốn tay nghĩa bóng là tứ nhiếp, bố thí khiến cho người có cảm tình với mình, sau đó dùng ái ngữ để thuyết phục, sau đến đồng sự, tức là cùng sống như cách sống của người, cuối cùng là lợi hành, độ người đến bờ giải thoát. Bốn tay cũng có thể hiểu là bốn thứ vô ngại cũng được. Đó là pháp vô ngại, nghĩa vô ngại, từ vô ngại và biện tài vô ngại. Sau khi ngài rửa mặt rồi, ngài cầm bông vàng rải lên mình Thiện Tài. “Cầm bông vàng rải lên mình Thiện Tài” là có ý ngợi khen và tán thán Thiện Tài, ngài nói với Thiện Tài là các vị bồ tát rất khó được thấy, khó được nghe, như trong kinh nói, phải nhiều túc duyên mới gặp.
KINH: Này thiện nam tử, ta đã thành tựu bồ tát giải thoát tên là “Vân võng.” Thiện Tài thưa: Bạch đức thánh, cảnh giới của vân võng giải thoát là thế nào? Lúc đó Đại Thiên ở trước Thiện Tài, thị hiện đông vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, mã não, đống hỏa diệm bửu, đống ly câu tạng bửu v.v… (bỏ một đoạn kinh ngài thị hiện tất cả các đồ báu…), tất cả đều cao lớn như núi to. Đại Thiên lại thị hiện tất cả hoa, tất cả hương, tất cả hương đốt, tất cả hương thoa, y phục, tràng phan, âm nhạc, tất cả đồ vui ngũ dục. Lại hiện vô số trăm ngài vạn ức chúng đồng nữ…
GIẢNG: “Vân võng” là lưới mây. Tất cả những vật ở thế gian này đều bắt đầu bằng cơn lốc quang minh, muốn hiện lên vật gì thì phải khởi lên một cơn lốc quang minh của tâm tưởng, rồi sau nó cuộn lại thành cái lưới mây, từ lưới mây đó mới hiện hình thành thân chúng sanh và các đồ ở thế gian này. Vì vậy, khoa học ngày nay, thường thấy rằng chung quanh các hành tinh đều có những vết phong luân xoay tròn. Nên ngài dạy cho Thiện Tài pháp môn biến hóa này, dùng quang minh của tâm tưởng phóng ra thành những lưới mây rồi sau đó mới trở thành thân chúng sanh và những cảnh vật y báo.
KINH: Này thiện nam tử, nên đem những vật này cúng dường Đức Như Lai, tu các phước đức và thí cho các chúng sanh để nhiếp thủ họ, cho họ tu học đàn ba la mật, có thể xả được thứ khó xả.
GIẢNG: Ngài dạy Thiện Tài dùng tâm biến hóa đó trước là mang cúng dường chư Như Lai, sau mang thí cho chúng sanh, như thế mới gọi là chân pháp cúng dường, vì vậy, quán chiếu như huyễn là căn bản của đạo Phật.
KINH: Nếu có chúng sanh nào tham chấp ngũ dục tự phóng dật, thì ta vì họ mà thị hiện cảnh giới bất tịnh.
GIẢNG: ở đây ngài giảng thêm rằng, nếu có chúng sanh thích ngũ dục, phóng dật, thì phải hiện những cảnh bất tịnh, có nghĩa là hiện ra cho chúng sanh đó nhìn thấy các bãi tha ma, thấy người chết trương phình, nứt nẻ, giòi bọ từ chín khiếu bất tịnh bò ra, để cho chúng sanh ấy khởi tâm sợ hãi nhàm chán mới có thể bỏ bớt tham chấp ngũ dục, nhất là về vấn đề nam nữ tình dục.
KINH: Nếu có chúng sanh hôn trầm lười biếng, thì ta vì họ thị hiện những nạn vua, giặc, nước, lửa, và các bệnh tật, cho họ kinh sợ biết khổ lo để họ tự cố gắng.
GIẢNG: Nên nhiều khi ta cũng phải hiểu, những tai họa giáng đến có thể một phần do nghiệp lực, một phần do các vị đại quỉ thần hay các đại bồ tát muốn răn dạy ta mà thị hiện như vậy, để cho ta khởi tâm lo sợ mà ráng lu hành.
Bây giờ cũng đã hết giờ rồi, xin tạm ngừng đây. Xin cảm ơn quí vị…
Comments
Post a Comment