ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
HOA NGHIÊM KINH
Phẩm Nhập Pháp Giới
Thứ ba mươi chín
Hán Dịch: Ðại Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà
Việt Dịch: Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH
24.- TỲ KHEO NI SƯ TỬ TẦN THÂN
Này thiện nam tử ! Ta chỉ biết “MÔN GIẢI THOÁT THÀNH TỰU NHẤT THIẾT TRÍ”
này.
Thiện Tài đi lần đến thành Ca Lăng Ca Lâm tìm TỲ KHEO NI SƯ TỬ TẦN THÂN.
Người trong thành bào rằng Tỳ Kheo Ni ấy hiện ở tại trong vườn
Nhựt Quang của Thắng Quang Vương hỷ cúng, đương thuyết pháp lợi ích vô lượng
chúng sanh.
Thiện Tài liền đến vườn Nhựt Quang. Thấy trong vườn có một đại
thọ tên Mãn nguyệt, tàng cây như lâu các, phóng ánh sáng chiếu một do tuần.
Thấy một diệp thọ tên Phổ Phúc, hình như cây lọng, phóng ánh sáng màu tỳ lưu ly
xanh biếc. Thấy một hoa thọ tên Hoa tạng cao lớn hình như núi Tuyết, tuôn những
hoa đẹp không cùng tận.
Như cây Ba lợi chất đa la nơi cung trời Ðao Lợi. Lại thấy một
cam lộ quả thọ, hình như tòa núi vàng thường phóng quang minh, sai trĩu những
trái cam lộ. Lại thấy một ma ni bửu thọ tên Tỳ lô giá na tạng, hình đẹp không
gì bằng, tâm vương ma ni bửu ở trên chót cây, vô số ma ni bửu trang nghiêm khắp
cây. Lại thấy y thọ tên Thanh tịnh những y phục nhiều màu thòng rủ nghiêm sức.
Lại có âm nhạc thọ tên Hoan hỷ, vang tiếng âm nhạc hơn cả nhạc trời. Lại có
hương thọ tên Phổ trang nghiêm, hằng phát mùi thơm huân khắp mười phương không
chướng ngại.
Trong vườn lại có suối chảy, ao mát, tất cả đều bằng thất bửu
trang nghiêm, bùn hắc chiên đàn chứa đọng trong đó, các chơn kim trải mặt đáy,
toàn nước bát công đức. Hoa sen bốn màu xanh, vàng, đỏ, trắng phô trên mặt
nước.
Trong vường có vô lượng bửu thọ bày hàng khắp nơi. Mỗi gốc cây
có một tòa sư tử, trang nghiêm với các thứ diệu bửu, dùng thiên y để trải, ướp
bằng diệu hương, thòng những lụa báu, giăng những bửu trướng, vàng diêm phù đàn
che phía trên, lạc báu chạm reo vang tiếng vi diệu.
Hoặc có gốc cây thiết tòa liên hoa tạng sư tử. Có gốc cây
thiết tòa hương vương ma ni tạng sư tử. Có gốc cây thiết tòa long trang nghiêm
ma ni vương tạng. Có gốc cây thiết tòa bửu sư tử tụ ma ni vương tạng. Có gốc
cây thiết tòa tỳ lô giá na ma ni vương tạng sư tử. Có gốc cây thiết tòa thập
phương tỳ lô giá na ma ni vương tạng sư tử.
Mỗi sư tử tòa đều có mười vạn tòa báu vây quanh, đều đủ vô lượng
thứ trang nghiêm.
Trong vườn Nhựt Quang này, đầy những châu báu như bửu đảo
ngoài đại hải. Dùng y ca lân đà trải mặt đất, y này rất êm diệu mềm mát. Ðạp
lên thời lún bàn chân, dở chân thời hoàn lại.
Có vô lượng thức chim vang tiếng hòa nhã.
Rừng cây bửu chiên đàn rất trang nghiêm, thường tuôn diệu hoa
vô tận, như vườn tạp hoa của Thiên Ðế Thích.
Hương vương vô tỷ thơm ngát khắp nơi, như Thiện Pháp Ðường của
Thiên Ðế.
Những cây âm nhạc, cây bửu đa la, những lưới linh báu, vang
tiến vi diệu, như tiếng ca ngâm của Thiện Khẩu Thiên nữ ở cung trời Tự Tại.
Những cây như ý thòng rũ các thứ y đẹp trang nghiêm rộng lớn
như đại hải, có vô lượng màu sắc.
Trăm ngàn lâu các trang nghiêm bằng châu báu, như thành Thiện
Kiến ở Ðao Lợi Thiên cung.
Lọng báu giăng rộng như đảnh núi Tu Di.
Quang minh chiếu sáng như cung trời Phạm Vương.
Thiện Tài thấy vườn Nhựt Quang có số lượng công đức, vô lượng
trang nghiêm. Ðâu là do công hạnh của Bồ Tất cảm thành, căn lành xuất thế phát
khởi, cúng dường chư Phật sanh ra, tất cả thế gian không đâu sánh bằng.
Ðây là do Tỳ Kheo Ni Sư Tử Tần Thân thấu rõ pháp như huyễn,
chứa nhóm phước đức lành thanh tịnh quảng đại mà thành tựu cảnh vườn trang
nghiêm này.
Thiên, Long, Bát Bộ vô lượng chúng sanh trong Ðại Thiên thế
giới đều vào vườn này vẫn không chật hẹp.
Tai sao vậy ?
Vì do oai thần bất tư nghì của Tỳ Kheo Ni Sư Tử Tần Thân này
khiến nên như vậy.
Thiện Tài thấy Tỳ Kheo Ni này ngồi khắp trên tất cả tòa đại sư
tử dưới những cội cây. Thân tướng đoan nghiêm, oai nghi tịch tịnh. Các căn điều
thuận như đại tượng vương. Tâm không cấu trược như thanh tịnh địa. Khắp giúp
ích chỗ cầu của mọi người như bửu châu như ý. Không nhiễm thế gian nhu hoa sen.
Tâm vô úy như sư tử vương. Hộ trì tịnh giới vững vàng như núi Tu Di. Có thể làm
cho người thấy lòng được thanh tịnh như diệu hương vương. Có thể trừ phiền não
của chúng sanh như hương diệu chiên đàn trong núi Tuyết. Chúng sanh được thấy
thời tiết khổ như Thiện Kiến Dược Vương. Người thấy chẳng luống uổng như Bà Lâu
Na Thiên. Có thể sanh trưởng tất cả mầm thiện căn như ruộng phì nhiêu.
Tại mỗi tòa đại sư tử chúng hội không đồng nhau. Lời thuyết
pháp cũng đều sai khác.
Hoặc thấy chỗ thời chúng hội là Tịnh Cư Thiên, thượng thủ là
Ðại Tự Tại Thiên Vương. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn Vô tận giả thoát.
Chỗ thời chúng hội là Phạm Thiên, Ái Lạc Phạm Vương làm thượng
thủ. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Phổ môn sai biệt thanh tịnh
ngôn âm luân.
Chỗ thời chúng hội là Tha Hóa Tự Tại Thiên Tử Thiên Nử, Tự Tại
Thiên Vương làm thượng thủ. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Bồ Tát
Thanh Tịnh Tâm.
Chỗ thời chúng hội là Thiện Biến Hóa Thiên Tử Thiên Nử, Thiện
Hóa Thiên Vương làm thượng thủ. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là
Nhứt thiết pháp thiện trang nghiêm.
Chỗ thời chúng hội là Ðâu Suất Thiên Tử Thiên Nử, Ðâu Suất
Thiên Vương làm thượng thủ. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Tâm
tạng triền.
Chỗ thời chúng hội là Dạ Ma Thiên Tử Thiên Nử, Dạ Ma Thiên
Vương làm thượng thủ. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Vô biên trang
nghiêm.
Chỗ thời chúng hội là Ðao Lợi Thiên Tử Thiên Nử, Thích Ðề Hoàn
Nhơn làm thượng thủ. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Yễm ly môn.
Chỗ thời chúng hội là chư Long Tử Long Nử, Bá Quang Minh Long
Vương, Nan Ðà Long Vương, Ưu Ba Nan Ðà Long Vương, Ma Na Tư Long Vương, Y La
Bạt Nan Ðà Long Vương, A Na Bà Ðạt Ða Long Vương v.v… Ta Già Long Vương làm
thượng thủ. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Phật thần thông cảnh
giới quang minh trang nghiêm.
Chỗ thời chúng hội là thần Dạ Xoa, Tỳ Sa Môn Thiên Vương làm
thượng thủ. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Cứu hộ chúng sanh tạng.
Chỗ thời chúng hội là thần Càn Thát Bà, Trì Quốc Thiên Vương
làm thượng thủ. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Vô tận hỷ.
Chỗ thời chúng hội là A Tu La, La Hầu A Tu La Vương làm thượng
thủ. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Tốc tật trang nghiêm pháp giới
trí môn.
Chỗ thời chúng hội là Ca Lâu La, Thiệp Trì Ca Lâu La Vương làm
thượng thủ. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Bố động chư hữu hải.
Chỗ thời chúng hội là Khẩn Na La, Ðại Thọ Khẩn Na La Vương làm
thượng thủ. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Phật hạnh quang minh.
Chỗ thời chúng hội là Ma Hầu La Già, Am La Lâm Ma Hầu La Già
Vương làm thượng thủ.Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Sanh Phật hoan
hỷ tâm.
Chỗ thời chúng hội là vô lượng nam tử nữ nhơn. Tỳ Kheo Ni này
vì họ mà nói pháp môn tên là Thù thắng hạnh.
Chỗ thời chúng hội là La Sát, Thường Ðoạt Tinh Khí Ðại Thọ La
Sát Vương làm thượng thủ. Tỳ Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Phát sanh
bi mẫn tâm.
Chỗ thời chúng hội là chúng sanh tin ưa Thanh Văn thừa. Tỳ
Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Thắng trí quang minh.
Chỗ thời chúng hội là chúng sanh tin ưa Duyên Giác thừa. Tỳ
Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Phật công đức quảng đại quang minh.
Chỗ thời chúng hội là những chúng sanh tin ưa Ðại thừa. Tỳ
Kheo Ni này vì họ mà nói pháp môn tên là Phổ môn tam muội trí quang minh môn.
Chỗ thời chúng hội là sơ phát tâm Bồ Tát. Tỳ Kheo Ni này vì họ
mà nói pháp môn tên là Nhứt thiết Phật nguyện tụ.
Chỗ thời chúng hội là đệ nhị địa Bồ Tát. Tỳ Kheo Ni này vì họ
mà nói pháp môn tên là Ly cấu luân.
Chỗ thời chúng hội là đệ tam địa Bồ Tát. Tỳ Kheo Ni này vì họ
mà nói pháp môn tên là Tịch tịnh trang nghiêm.
Chỗ thời chúng hội là đệ tứ địa Bồ Tát. Tỳ Kheo Ni này vì họ
mà nói pháp môn tên là Sanh nhứt thiết trí cảnh giới.
Chỗ thời chúng hội là đệ ngũ địa Bồ Tát. Tỳ Kheo Ni này vì họ
mà nói pháp môn tên là Diệu hoa tạng.
Chỗ thời chúng hội là đệ lục địa Bồ Tát. Tỳ Kheo Ni này vì họ
mà nói pháp môn tên là Tỳ Lô Giá Na Tạng.
Chỗ thời chúng hội là đệ thất địa Bồ Tát. Tỳ Kheo Ni này vì họ
mà nói pháp môn tên là Phổ trang nghiêm địa.
Chỗ thời chúng hội là đệ bát địa Bồ Tát, Tỳ Kheo Ni này vì họ
mà nói pháp môn tên là Biến pháp giới cảnh giới thân.
Chỗ thời chùng hội là đệ cửu địa Bồ Tát. Tỳ Kheo Ni này vì họ
mà nói pháp môn tên là Vô sở đắc lực trang nghiêm.
Chỗ thời chúng hội là đệ thập địa Bồ Tát.Tỳ Kheo Ni này vì họ
mà nói pháp môn tên là Vô ngại luân.
Chỗ thời chúng hội là Chấp Kim Cang Thần.Tỳ Kheo Ni này vì họ
mà nói pháp môn tên là Kim cang trí na la diên trang nghiêm.
Thiện Tài thấy khắp nơi, các loài, các chúng sanh đã thành
thục, đã điều phục, kham làm pháp khí đều vào trong vườn này quây quần ngồi
quanh dưới bửu tọa. Sư Tử Tần Thân Tỳ Kheo Ni tùy theo trí giải thắng liệt sai
khác của họ mà vì họ thuyết pháp cho họ chẳng thối chuyển nơi Vô thượng Bồ đề .
Tại sao vây ?
Vì Tỳ Kheo Ni này nhập phổ nhãn xả, chứng được môn Bát Nhã Ba
la mật, môn Bát Nhã Ba la mật diễn nói tất cả Phật pháp, môn Bát Nhã Ba la mật
pháp giới sai biệt, môn Bát Nhã Ba la mật tán hoại tất cả chướng ngại, môn Bát
Nhã Ba la mật sanh thiện tâm cho tất cả chúng sanh, môn Bát Nhã Ba la mật thù
thắng trang nghiêm, môn Bát Nhã Ba la mật vô ngại chân thật tạng, môn Bát Nhã
Ba la mật pháp giới viên mãn, môn Bát Nhã Ba la mật tâm tạng, môn Bát Nhã Ba la
mật khắp xuất sanh tạng.
Trong mười môn này, đầu tiên là Bát Nhã Ba la mật môn.
Tỳ Kheo Ni này nhập vô số trăm ngàn môn Bát Nhã Ba la mật như
vậy.
Tất cả Bồ Tát và chúng sanh trong vườn Nhựt Quang đều là do Sư
Tử Tần Thân Tỳ Kheo Ni khuyên phát tâm thọ trì chánh pháp tư duy tu tập, đều
được bất thối chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh giác.
Thiện Tài đồng tử thấy khu vườn như vậy, bửu tòa như vậy, kinh
hành như vậy, chúng hội như vậy, thần lực như vậy, biện tài như vậy. Lại nghe
bất tư nghì pháp môn, pháp vân quảng đại nhuần thấm tâm mình, bèn nghĩ rằng tôi
sẽ cung kính hữu nhiễu Tỳ Kheo Ni này vô lượng trăm ngàn vòng.
Lúc đó Sư Tử Tần Thân Tỳ Kheo Ni phóng đại quang minh chiếu
khắp khu vườn Nhựt Quang và chúng hội.
Thiện Tài liền thấy thân mình cùng tất cả bửu thọ trong vườn
đều đồng thời hữu nhiễu Tỳ Kheo Ni này cả vô lượng trăm ngàn muôn vòng.
Hữu nhiễu xong, Thiện Tài chắp tay thưa rằng :
Bạch đức Thánh ! Tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề mà chưa biết
Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo ?
Tôi nghe đức Thánh khéo dạy bảo, xin chỉ dạy cho.
Tỳ Kheo Ni nói :
Này thiện nam tử ! Ta được môn giải thoát tên là thành tựu
nhất thiết trí.
Thiện Tài thưa :
Bạch đức Thánh ! Cớ sao gọi là thành tựu nhất thiết trí.
Tỳ Kheo Ni nói :
Này thiện nam tử ! Quang minh của trí này, trong một niệm
chiếu khắp tất cả tam thế Phật pháp.
Thiện Tài thưa :
Bạch đức Thánh ! Quang minh của trí này, cảnh giới thế nào ?
Tỳ Kheo Ni nói :
Này thiện nam tử ! Ta nhập môn trí quang minh này được xuất
sanh nhất thiết pháp tam muội vương. Do tam muội này nên được ý sanh thân qua
đến mười phương tất cả thế giới, chỗ của nhất sanh bổ xứ Bồ Tát nơi cung Ðâu
Suất.
Trước mỗi Bồ Tát, ta hiện bất khả thuyết Phật sát vi trần số
thân. Mỗi thân dâng bất khả thuyết Phật sát vi trần số đồ cúng dường.
Như là hiện thân Thiên Vương nhẫn đến thân Nhơn Vương, cầm hoa
vân, hương vân, y phục, anh lạc, bửu phan, bửu cái, bửu võng, bửu trướng, bửu
tạng, bửu đăng, dâng lên cúng dường.
Như ở chỗ Bồ Tát nơi Ðâu Suất Thiên cung, nơi Bồ Tát trụ thai,
xuất thai, tại gia, xuất gia, đến đạo tràng, thành chánh giác, chuyển pháp
luân, nhập Niết bàn. Trong khoảng thời gian đó, hoặc ở Thiên cung, hoặc ở Long
cung, nhẫn đến ở Nhơn cung, nơi mỗi mỗi đức Như Lai, ta đều cúng dường như vậy.
Nếu có chúng sanh nào biết ta cúng dường chư Phật như vậy,
thời đều được chẳng thối chuyển nơi Vô thượng Bồ đề.
Nếu chúng sanh nào đến chỗ của ta, thời ta vì họ mà giảng nói
Bát Nhã Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Ta thấy tất cả chúng sanh, vì trí nhãn thấy
rõ nên ta chẳng phân biệt chúng sanh tướng. Nghe tất cả ngữ ngôn, vì tâm không
chấp trước nên ta chẳng phân biệt ngữ ngôn tướng.Thấy tất cả Như Lai, vì thấu
rõ pháp thân nên ta chẳng phân biệt Như Lai tướng. Trụ trì tất cả pháp luân, vì
ngộ pháp tự tánh nên ta chẳng phân biệt pháp luân tướng. Một niệm biết khắp tất
cả pháp, vì biết pháp như huyễn nên ta chẳng phân biệt pháp tướng.
Này thiện nam tử ! Ta chỉ biết “MÔN GIẢI THOÁT THÀNH TỰU NHẤT THIẾT TRÍ” này.
Như chư đại Bồ Tát tâm vô phân biệt biết khắp các pháp, một
thân ngồi yên mà đầy khắp cả pháp giới. Ở trong tự thân hiện tất cả cõi. Khoảng
một niệm đến khắp tất cả chỗ Phật. Ở trong tự thân hiện khắp tất cả thần lực
của chư Phật. Dùng một sợi lông đỡ khắp bất khả thuyết thế giới lên. Trong một
lỗ lông nơi tự thân hiện bất khả thuyết thế giới thành hoại. Trong khoảng một
niệm cùng với bất khả thuyết chúng sanh đồng ở. Trong khoảng một niệm nhập bất
khả thuyết bất khả thuyết kiếp.
Ta thế nào biết được nói được công đức hạnh đó.
Này thiện nam tử ! Phương Nam đây có một nước tên là Hiểm Nạn.
Nước đó có thành tên là Bửu Trang Nghiêm. Trong thành ấy có một nử nhơn tên là
Bà Tu Mật Ða.
Ngươi đến đó hỏi Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ
Tát đạo ?
Thiện Tài đồng tử đảnh lễ chân Sư Tử Tần Thân Tỳ Kheo Ni hữu
nhiễu vô số vòng, ân cần chiêm ngưỡng từ tạ mà đi.
Diễn Giảng
PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
15 tháng Tư 1990
24.- TỲ KHEO NI SƯ TỬ TẦN THÂN
Này thiện nam tử ! Ta chỉ biết “MÔN GIẢI THOÁT THÀNH TỰU NHẤT THIẾT TRÍ” này.
KINH: Này thiện nam
tử, phương nam đây có một quốc độ tên là Thâu Na. Nước đó có thành tên là
Ca-Lăng-Ca Lâm. Trong thành có tỳ kheo ni tên là Sư Tử Tần Thân…
GIẢNG: Thành tên là Ca-Lăng-Ca-Lâm, theo như người Tàu dịch có
nghĩa là tự tại, không có sự sợ hãi. Vị tỳ kheo ni tên Sư Tử Tần Thân cũng có ý
nghĩa thế thôi, tức là ngài rất tự tại trong tất cả sự độ sanh của mình, tương
tự như một con sư tử chuyển động thân hình một cách rất tự tại, ung dung, không
sợ hãi.
KINH: Thiện Tài đi
lần đến thành Ca-Lăng-Ca-Lâm tìm tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân. …(Bỏ một đoạn
kinh…), Thiện Tài liền đến vườn Nhật Quang, thấy trong vườn có đại thọ tên
Mãn Nguyệt, (mặt trăng tròn đầy), … thấy một diệp thọ tên Phổ Phúc …,
thấy một hoa thọ tên Hoa Tạng…, thấy một cam lộ quả thọ …, thây y thọ tên Thanh
Tịnh … Lại có âm nhạc thọ tên Hoan Hỷ, vang tiếng âm nhạc hơn cả nhạc trời…
GIẢNG: Những cảnh này không phải thấy được ở nhân gian, mà do y
báo của ngài xuất hiện ra. Đại khái khi tu, thì tàng thức biến hiện ra phổ vào
cái y báo thì thấy như vậy, hoặc là y báo tương ưng thì ứng hiện ra. Người đi
qua đường nếu có tâm nhãn tương ứng thì sẽ nhìn thấy, mắt thịt của phàm phu
chúng ta sẽ không thể thấy được. Hiện tượng này trong kinh kể rất thường, chỉ
có cái chúng ta có chịu tin hay không mà thôi.
KINH:… Đây là do tỳ kheo
ni Sư Tử Tần Thân thấu rõ pháp như huyễn, chứa nhóm phước đức lành thanh tịnh
quảng đại mà thành tựu cảnh vườn trang nghiêm này…
GIẢNG: Lúc nào cũng phải quán chiếu như huyễn, vì nếu quán
chiếu được như huyễn thì ngay thần chết cũng không thể đến bắt được, rồi sẽ đi
dần đến chỗ biến hóa, vì tất cả đạo Phật là ở chỗ đó, biến hóa không cùng tận,
mà phải đi vào cái như huyễn đó thì biến hóa mới nhiều được. Sự vật, sở dĩ có
thể biến hóa được vì nó như huyễn, chứ nếu nó cứ ù lì nhất định là một vật thì
không thể biến hóa được.
HỎI: Xin ông vui lòng
nói về sự liên quan giữa Kinh Lăng Nghiêm và Kinh Hoa Nghiêm.
ĐÁP: Tôi vẫn nói trong đạo tràng này rằng, đọc kinh Hoa Nghiêm thấy
khó, nhưng khi hơi hiểu rồi thì thấy rất hớn hở, vì sao? Vì kinh nói đến những
cảnh giới ở những bình diện cao và sâu, từ hành ấm, và nhất là thức ấm, và toàn
những thần biến chập chùng. Còn Lăng Nghiêm ta lại có cảm giác rất sợ hãi, vì
sao? Vì kinh Lăng Nghiêm nói đến những cảnh Địa Ngục do thức ấm, và nói ngay
đến các căn, trần, thức của mình, và nếu chúng ta không khéo giữ sẽ bị đọa
xuống dưới. Ngược lại, Hoa Nghiêm nói đến các quả vi diệu rất đẹp đẽ, thanh
tịnh mà chúng ta sẽ tới, trong khi Lăng Nghiêm lại nói ngay vào vũng sình lầy
mà chúng ta đang chịu khổ báo, đang bơi lội trong vũng sình lầy căn, trần, thức
đó. Nếu bơi lội không khéo, lại tụt sâu trong vũng sình lầy ấy. Nên kinh nào
cũng giống nhau và cũng khác nhau, vì mỗi kinh nói theo một bình diện của târh
thức, nhưng đều là do thức tâm biến hiện cả.
Bây giờ xin trở lại Hoa
Nghiêm và Nhập Pháp Giới…
GIẢNG: Ngài Sư Tử Tần Thân này ngồi thuyết pháp cho người,
trời, chư thiên nhẫn đến đệ cửu địa, mà trong đó không biết cơ man tòa ngồi,
chỗ nào cũng là thân của ngài.
KINH: … Tại mỗi tòa
sư tử, chúng hội không đổng nhau. Lời thuyết pháp cũng đều sai khác. Hoặc thấy
chỗ thời chúng hội là Tịnh cư Thiên, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn
“Vô Tận Giải thoát.” Chỗ thời chúng hội là Phạm Thiên, tỳ kheo
ni này vì họ mà nói pháp môn “Phổ sai biệt thanh tịnh ngôn âm luân.” Chỗ
thời chúng hội là Tha Hóa Tự Tại Thiên, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp
môn “Bồ Tát thanh tịnh tâm.” chỗ thời chúng hội là Thiện Biến
Hóa Thiên tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Nhất thiết pháp thiện
trang nghiêm.” Chỗ thời chúng hội là Đâu Xuất thiên, tỳ kheo ni này vì
họ mà nói pháp môn “Tâm Tạng triền.” chỗ thời chúng hội là Dạ
Ma thiên, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Vô biên trang nghiêm.” Chỗ
thời chúng hội là Đao Lợi Thiên, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Yểm
lỵ môn.” Chỗ thời chúng hội là chư Long Tử, Long Nữ…, tỳ kheo ni này
vì họ mà nói pháp môn “Phật thần thông cảnh giới quang minh trang
nghiêm.”… (bỏ một đoạn kinh thuyết
pháp cho các loại thần…) chỗ thời chúng
hội là đệ cửu địa Bồ Tát, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Vô sở
đắc lực trang nghiêm.”
GIẢNG: pháp môn “Vô sở đắc lực trang nghiêm,” là
dùng tâm vô công dụng hạnh, dùng tâm vô sở đắc để làm những công hạnh.
KINH: Chỗ thời
chúng hội là đệ thập địa, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Vô ngại
luân.”
GIẢNG: “Luân” ở đây ngài dạy là dùng cái tâm xoay
vần rất thần kỳ để có thể biến hiện đủ mọi thứ mà vẫn vô ngại. Như thế mới gọi
là “vô ngại luân.” Vị này đắc rất nhiều “phổ nhãn
xả” ngài đắc những môn toàn là Bát Nhã, nhưng đồng thời trong bát nhã
ấy vẫn có Đại Bi. Như môn “Bát Nhã ba la mật diễn nói tất cả Phật
pháp/’ trong không hải ấy vẫn diễn nói tất cả các pháp môn, một đằng
là Bát Nhã, một đằng là Đại Bi. Môn “Bát Nhã ba la mật pháp giới sai
biệt,” trong không hải, ngài vẫn diễn nói tất cả pháp giới sai biệt,
tức là đại bi. “Bát nhã ba la mật thù thắng trang nghiêm,” trong
không hải ấy vẫn đem tâm mình trang nghiêm cõi đó. “Bát nhã ba la mật
pháp giới viên mãn” trong không hải ấy làm cho pháp giới tròn đầy viên
mãn đúng theo tinh thần Đại Bi bình đẳng v.v..
KINH: Này thiện nam
tử, ta được môn giải thoát tên là thành tựu nhất thiết trí…
GIẢNG: ở đây, ngài quán chiếu như huyễn gần đến chỗ nhất thiết
chủng trí rồi.
KINH:... Nầy thiện nam
tử, ta nhập môn trí quang minh này được xuất sanh nhất thiết pháp tam muội
vương. Do tam muội này nên được ý sanh thân qua đến mười phương tất cả thế
giới, chỗ của nhất sanh bổ xứ bồ tát nơi cung Đâu Xuất…
GIẢNG: Ngài được tam muội đó, sanh tất cả những hóa thân tùy
theo ý niện để đi mười phương. Có những vị hiện những hóa thân ở những nơi ác
đạo, như nhân gian hoặc chư thiên cõi dục v.v…, Nhưng ngài này lại hóa thân đến
chỗ “nhất sanh bổ xứ ở cung Đâu Xuất.”
KINH:... Trụ trì tất cả
pháp luân vì ngộ pháp tự tánh nên ta chẳng phân biệt pháp luân tướng…, Ở trong
tự thân hiện khắp tất cả thần lực của Chư Phật. Dùng một sợi lông đỡ khắp tất
cả thế giới lên…
GIẢNG: Đó là như huyễn tam muội khiến nhập được thể tánh. Thể
tánh là không, là như như tịch tĩnh… Vì chứng nhập được, nên tuy trụ trì tất cả
pháp luân mà chẳng hề phân biệt pháp luân tướng.
Cũng từ nơi thể tánh mà có thể hiện
tất cả thần lực. Dùng một sợi lông nâng các thế giới…
Comments
Post a Comment