LƯỢC LUẬN
về Ý-NGHĨA và LUẬN-QUÁN
của Phẩm PHỔ-HIỀN HẠNH -NGUYỆN
I
Ý-NGHĨA
Trong pháp hội Hoa Nghiêm, đức Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na với vô lượng pháp thân bồ tát ở Hoa Tạng giới hải cùng nhau giảng luận cũng như hiển bày về cảnh giới bất tư nghị giải thoát của mình tự chứng.
Thiện Tài Đồng Tử, một bậc đại cơ đại trí, nhờ đức Văn Thù bồ tát điểm hóa nên chứng được Căn bổn trí (cũng gọi là Chân thiệt trí, Luận Khởi tín nói: “Thỉ giác hiệp bổn giác”, Luận Duy thức nói: “Chứng chơn duy thức tánh”, chính là trí này vậy. Người chứng được trí này thời là bậc Sơ trụ bồ tát theo Viên giáo, và là bậc Sơ địa bồ tát của Thỉ giáo. Trí lực và thần thông của bậc bồ tát này có thể phân thân hóa hiện làm một trăm thiên bá ức vị Phật ngự trong một trăm thế giới không Phật để giáo hóa chúng sinh).
Sau đó đức Văn Thù bồ tát bảo ngài Thiện Tài đi tham học với các bậc đại thiện trí thức khác để được viên mãn phước trí. Học với Đức Vân trước nhất, nhẫn đến Quán Thế Âm, Di Lặc, cuối cùng ngài cầu học với đức Phổ Hiền bồ tát. Đến đây, quả vị của ngài Thiện Tài đã chứng kề bậc Đẳng giác.
Bấy giờ, đức Phổ Hiền bồ tát đứng trước Phật, xưng dương tán thán công đức vô lượng của Phật xong, ngài liền đem mười điều đại nguyện giảng cho Thiện Tài và hải hội bồ tát cùng nghe. Ngài bảo muốn trọn nên công đức của Phật, nghĩa là muốn thành Phật, chư bồ tát đều phải tu mười nguyện vương ấy.
Mười nguyện vương ấy cũng gọi là Phổ Hiền hạnh nguyện. Danh từ này có hai nghĩa chung và riêng:
A.-Mười điều đây là hạnh nguyện của bậc Đẳng giác, của bậc bồ tát gần kề quả Phật cùng tu để được thành Phật, nên gọi là Phổ Hiền hạnh nguyện, đây là nghĩa chung.
B.-Mười nguyện đây chính là của đức Phổ Hiền bồ tát, và là của đức Phổ Hiền đem giảng lại cho đại chúng, nên gọi là Phổ Hiền hạnh nguyện, đây là nghĩa riêng.
Như trên đã nói, trong đại hội Hoa Nghiêm, đức Phật và chư bồ tát cùng nhau giảng luận cũng như hiển bày vẻ cảnh giới bất tư nghị giải thoát của mình tự chứng, nên tất cả những lời trong phẩm hạnh nguyện này, đức Phổ Hiền bồ tát cũng y cứ nơi cảnh giới bất tư nghị giải thoát của ngài đã tự chứng mà giảng thuật, vì thế nên danh đề của phần này là: Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh, Nhập bất tư nghị giải thoát cảnh giới Phổ Hiền hạnh nguyện phẩm.
Mười hạnh nguyện đây đã đứng trên cảnh giới bất tư nghị giải thoát mà thành lập, vậy thời muốn hiểu thấu đáo diệu lý của mười hạnh nguyện này, trước tiên cần phải rõ thế nào là bất tư nghị giải thoát cảnh giới?
Chỗ sở ngộ và sở chứng của hàng Đại thừa bồ tát chia ra làm bốn tầng cấp. Bốn tầng cấp này đều lấy toàn thể pháp giới tánh làm lượng, thể tánh bổn lai vốn dung thông tự tại vô ngại:
1.-Lý vô ngại pháp giới
2.-Sự vô ngại pháp giới
2.-Lý sự vô ngại pháp giới
4.-Sự sự vô ngại pháp giới
“Lý” tức là chân lý thật tánh, là thể tánh chân thật của tất cả pháp, nên cũng gọi là pháp tánh, hay pháp giới tánh, chơn như tánh. Tất cả pháp trong vũ trụ đều đồng một thể tánh chân thật ấy. Thể tánh ấy dung thông vô ngại, nên gọi là “Lý vô ngại pháp giới”. Người chứng được lý vô ngại này chính là bậc thành tựu Căn bổn trí, mà bắt đầu dự vào hàng pháp thân bồ tát.
Tất cả pháp “sự” đều đồng một thể tánh chân thật tức là đồng lấy pháp tánh làm thể. Toàn thể “sự” là pháp tánh, mà pháp tánh đã viên dung vô ngại, thời toàn sự cũng vô ngại, nên gọi là “Sự vô ngại pháp giới”.
Người chứng được sự pháp giới này chính là bậc pháp thân bồ tát thành tựu Sai biệt trí (cũng gọi là Quyền trí, Tục trí, Hậu đắc trí).
“Lý” là thể tánh của “sự” (tất cả pháp), “sự” là hiện tượng của “lý tánh”. Vậy thời lý tánh tức là lý tánh của sự, còn sự là sự tướng của lý tánh. Chính lý tánh là toàn sự, mà tất cả sự toàn là lý tánh, nên gọi là “lý sự vô ngại pháp giới”. Người chứng được lý sự pháp giới này thời là bậc pháp thân bồ tát đồng thời hiển phát cả hai trí (Căn bổn trí và Sai biệt trí).
Tất cả sự đều toàn đồng một tánh thể, mà tánh thể thời dung thông không phân chia riêng khác, nên bất luận là một sự nào cũng đều dung nhiếp tất cả sự, và cũng đều tức tất cả sự. Một sự nhiếp và tức tất cả sự, tất cả sự nhiếp và tức một sự. Thế là sự sự vô ngại tự tại, nên gọi là “Sự sự vô ngại pháp giới”. Người chứng được sự sự pháp giới này là bậc pháp thân bồ tát thành tựu nhất thiết chủng trí.
Xét theo văn nghĩa, phẩm này y cứ nơi sự sự vô ngại pháp giới mà lập hạnh nguyện. Sự sự vô ngại pháp giới dung thông tự tại nên gọi là “giải thoát”. Cảnh giới đây là thánh trí chỗ chứng, chẳng phải phàm tình lường biết được nên gọi là “bất tư nghị cảnh giới”. Đã chứng được, đã trụ trong cảnh giới vô ngại ấy nên gọi là “nhập”.
Sao lại biết rằng phẩm này y cứ nơi sự sự vô ngại pháp giới mà thành lập hạnh nguyện?
Trong phẩm, đức Phổ Hiền giảng giải về mười điều đại nguyện, nơi nguyện nào cũng đều quán nhiếp cả không gian lẫn thời gian.
Về không gian, nguyện luôn luôn nói:
Trong vô lượng cõi có vô lượng vi trần, trong mỗi vi trần đều có vô lượng cõi, trong mỗi cõi đều có vô lượng Phật, nơi mỗi đức Phật đều có vô lượng bồ tát, vô lượng đại chúng v.v… Nơi trước mỗi đức Phật, tôi đều hóa hiện thân nhiều như số vi trần, mỗi thân đều khắp lễ kính vô lượng Phật v.v… Trong số hư trần khắp hư không pháp giới mười phương ba đời, mỗi vi trần đều có vô lượng cõi Phật rộng lớn, nơi mỗi cõi, trong một niệm đều có vô lượng chư Phật thành Đẳng chánh giác, tất cả chúng bồ tát nhóm họp vây quanh v.v…
Cho đến nơi văn kệ cũng luôn nói như thế:
…
Trong một trần có vô số cõi,
Mỗi mỗi cõi có nan tư Phật,
Mỗi mỗi Phật ở giữa chúng hội.
Tôi thấy hằng giảng hạnh bồ đề.
…
Thế là tất cả pháp, về không gian, thời nhỏ nhiếp lớn, ít dung nhiều, nhỏ lớn nhiều ít đều viên dung vô ngại.
Về thời gian, đại nguyện nào cũng là mãi mãi vô tận, cho đến một niệm nhiếp tất cả kiếp, rồi tất cả kiếp chung nơi một niệm, ngắn dài, dài ngắn đều viên dung vô ngại. Như nguyên văn nói:
Tôi hay thâm nhập đời vị lai
Tất cả nhiếp thâu làm một niệm
Hết thảy những kiếp trong ba đời
Làm khoảng một niệm tôi đều nhập
…
Và cả không gian lẫn thời gian cùng dung thông nhiếp nhận lẫn nhau, như trên nguyên văn nói:
Khắp hết mười phương các cõi nước (không gian)
Mỗi đầu lông đủ có ba đời (thời gian)
Phật cùng quốc độ số vô lượng (không gian)
Tôi khắp tu hành trải trần kiếp (thời gian)
…
Trong một niệm tôi thấy ba đời (thời gian)
Tất cả các đấng Nhân Sư Tử (không gian)
Cũng thường vào trong cảnh giới Phật
Như huyễn, giải thoát và oai lực
…
Trong các cực vi đầu sợi lông (không gian)
Xuất hiện cõi trang nghiêm ba thuở
Mười phương trần sát các đầu lông
Tôi đều thâm nhập để nghiêm tịnh.
…
Tất cả Sự pháp không ngoài không gian và thời gian. Không gian dung nhiếp không gian, thời gian dung nhiếp thời gian, không gian dung nhiếp thời gian, thời gian dung nhiếp không gian, đó là “sự sự vô ngại pháp giới”, mà cũng chính là “cảnh giới giải thoát tự tại bất tư nghị” vậy.
(Muốn rõ diệu lý của sự sự vô ngại pháp giới, nên tham cứu Thập huyền môn của Hoa Nghiêm tông và nên xem phẩm “Bất tư nghị” trong kinh Duy Ma Cật để rõ thêm về cảnh giới bất tư nghị của bồ tát).
Và cảnh giới dung thông bất tư nghị đây là những sự vật thường ở khắp trong cõi thế giới Cực Lạc. Nơi Cực Lạc, trên cây báu, trong đền đài, trong quang minh, ở mặt đất, giữa hư không v.v… tất cả sự vật đều dung nhiếp lẫn nhau, trùng trùng vô tận vô ngại, cho đến nơi lọng báu hiển hiện tất cả Phật sự ở mười phương v.v… Như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã tường thuật.
Người thọ trì đọc tụng phẩm này, tức là huân tập cảnh giới bất tư nghị giải thoát. Vì thế nên về đoạn cuối phẩm nguyên văn nói người thọ trì đọc tụng phẩm “Phổ Hiền hạnh nguyện” này, nhờ oai lực của hạnh nguyện lúc lâm chung sẽ sanh về cõi Cực Lạc và sẽ được mau thành Phật. Vì cõi Cực Lạc là hiện tượng của cảnh giới bất tư nghị giải thoát. Dưới đây là nguyên văn nói về việc ấy:
…
Lại người trì tụng này, lúc lâm chung, phút cuối cùng, tất cả căn thân đều hư hoại, tất cả thân thuộc đều phải bỏ lìa, tất cả oai thế đều thối thất, cho đến các phụ tướng đại thần, cung thành trong ngoài, voi ngựa xe cộ, trân bảo, kho đụn v.v… tất cả đều không đem một món nào theo được. Chỉ có mười nguyện vương này chẳng rời người mà thôi, trong tất cả thời gian nó thường ở trước dẫn đường, trong khoảnh khắc liền được sanh về cõi Cực Lạc. Đến Cực Lạc rồi liền thấy đức A Di Đà Phật cùng các ngài Văn Thù Sư Lợi bồ tát, Phổ Hiền bồ tát, Quán Tự Tại bồ tát v.v… các vị bồ tát này sắc tướng đoan nghiêm, công đức đầy đủ, chung cùng vây quanh. Lúc bấy giờ người ấy tự thấy mình gá sanh nơi hoa sen báu, được đức Phật xoa đầu thọ ký. Sau khi được thọ ký rồi, trải qua vô số trăm ngàn muôn ức na do tha kiếp, khắp cả mười phương bất khả thuyết bất khả thuyết thế giới, dùng sức trí huệ tùy theo tâm của chúng sinh mà làm cho đều được lợi ích. Chẳng bao lâu sẽ ngồi nơi Bồ đề đạo tràng hàng phục quân ma, thành bậc Đẳng chánh giác giảng nói pháp mầu vi diệu.
Và muốn cho mọi người, cho tất cả chúng sinh đều được chứng nhập cảnh giới bất tư nghị giải thoát, đức Phổ Hiền bồ tát lại ân cần khuyên:
…
Vì thế nên những người được nghe mười nguyện vương này chớ sanh lòng nghi ngờ, nên phải lãnh thọ, thọ rồi nên đọc, đọc rồi có thể tụng thuộc, tụng thuộc rồi nên ghi nhớ, nhẫn đến biên chép vì người mà giảng nói, những người như vậy trong một niệm đều được thành tựu tất cả hạnh nguyện, được phước vô lượng vô biên, có thể ở trong biển khổ phiền não cứu vớt chúng sinh, khiến chúng được giải thoát, đều được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.
Thiết thật hơn, đức Phổ Hiền lại khuyên tất cả bồ tát, tất cả đại chúng hiện tại trong pháp hội Hoa Nghiêm, dưới sự chứng kiến của đức Phật cùng nhau đồng phát nguyện vãng sanh Cực Lạc, để được chóng viên thành Phật quả.
Dưới đây là nguyên văn phát nguyện của các ngài:
Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung
Trừ hết tất cả các chướng ngại
Tận mặt gặp Phật A Di Đà
Liền được vãng sanh cõi Cực Lạc
Tôi đã vãng sanh cõi kia rồi
Hiện tiền thành tựu nguyện lớn này
Cả thảy tròn đủ không thừa thiếu
Lợi lạc khắp tất cả chúng sinh
Chúng hội Di Đà đều thanh tịnh
Tôi từ hoa sen nở sanh ra
Thân thấy đức Phật Vô Lượng Quang
Liền thọ ký tôi đạo bồ đề
Nhờ đức Phật kia thọ ký rồi
Tôi hóa vô số vạn ức thân
Trí huệ rộng lớn khắp mười phương
Khắp lợi tất cả chúng sinh giới.
Trước khi dứt lời, đức Phổ Hiền lại đem tất cả công đức hồi hướng cho pháp giới chúng sinh đồng vãng sanh Cực Lạc, để chúng sinh cũng đồng được chứng nhập cảnh giới bất tư nghị giải thoát như ngài.
Đây là lời hồi hướng:
Hạnh Phổ Hiền thù thắng của tôi
Phước lớn vô biên đều hồi hướng
Khắp nguyện chúng sinh đang chìm đắm
Mau sanh cõi Phật Vô Lượng Quang
(tức là cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà)
II
LUẬN-QUÁN
Đã lược biết ý nghĩa về phần y cứ cũng như về mục đích của phẩm này, giờ đây cũng nên lược luận về tuần thứ luận của mười điều đại nguyện:
Một là lễ kính các đức Phật
Hai là khen ngợi đức Như Lai
Ba là rộng sắm đồ cúng dường
Bốn là sám hối các nghiệp chướng
Năm là tùy hỷ các công đức
Sáu là thỉnh đức Phật thuyết pháp
Bảy là thỉnh đức Phật ở lại đời
Tám là thường học đòi theo Phật
Chín là hằng thuận lợi chúng sinh
Mười là hồi hướng khắp tất cả
…
Chúng sinh lưu lãng trong vòng sanh tử luân hồi, nguyên nhân là vì trái quên giác tánh mà theo trần lao. Trần lao là thứ vô thường, nên đã theo nó tức là lưu chuyển như nó. Nếu chúng sinh thức tỉnh biết xét trở lại: rời trần lao mà xoay về giác tánh thời khỏi hẳn luân hồi, vì giác tánh là bổn thể chơn như thường trụ. Bậc chứng cùng giác tánh là đức Phật, nên điều nguyện thứ nhất “lễ Phật” đây, là biểu tượng trái trần lao mà hiệp với giác tánh vậy.
... Đã kính lễ Phật, tất nhiên phải biết hạnh đức thần thông trí huệ vô thượng của Phật. Việc “tán thán công đức”, chính là biểu hiện của sự rõ biết rồi quá khâm phục mà thốt ra lời, làm thành điều nguyện thứ hai trong mười nguyện.
... Muốn thỏa mãn tấm lòng khâm phục, kính ngưỡng ân đức sâu dày của Phật, lễ lạy và tán thán vẫn chưa đủ, bồ tát lại lấy sự “cúng dường Phật” làm điều nguyện thứ ba. Hạnh cúng dường có hai cách:
1.- Tài cúng dường (dâng hoa, hương đèn v.v… để dâng cúng).
2.- Pháp cúng dường (y theo lời Phật mà tu hành, cho đến chẳng rời tâm bồ đề để cúng dường v.v…).
Về tương đối, công đức của pháp cúng dường lớn hơn công đức của tài cúng dường. Nhưng ở nơi tài cúng dường mà tam luân không tịch, thời tài cúng dường trở thành pháp cúng dường công đức vô lượng vô biên, như trong kinh Kim cang nói bố thí không trụ trước nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, công đức rộng lớn như hư không. Và như kinh Pháp hoa, phẩm “Dược Vương”, nhắc việc cúng dường của ngài Nhất Thiết Chúng sinh Hỷ Kiến bồ tát.
…
Nơi Phật thời đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm. Nơi ta thời từ vô thỉ đến nay kết cấu vô biên nghiệp hoặc. Muốn thành tựu công đức, trước phải trừ sạch nghiệp chướng đã gây tạo từ quá khứ, cũng không tái phạm ở hiện tại và tương lai. Đây là ý nghĩa của lời nguyện thứ tư “Sám hối các nghiệp chướng”.
…
Ở nơi công đức của người mà mình có quan niệm tán thành kính mộ thời mới có sự phát tâm làm theo, tu tập theo nên “Tùy hỷ công đức” là điều nguyện thứ năm của bồ tát.
…
Đã có quan niệm tán thành ngưỡng mộ công đức vô thượng, tất cần phải biết do phương tiện gì, do pháp môn nào mà được thành tựu. Vì thế nên bồ tát gấp “Thỉnh đức Phật chuyển pháp luân”, đồng thời để chúng sinh gội nhuần ơn pháp nhũ, thành điều nguyện thứ sáu.
Chư Phật thành Phật là vì chúng sinh mà thành Phật, đã vì chúng sinh tất phải nói pháp, bồ tát cần gì phải cầu thỉnh? Sự thỉnh pháp đây có hai nghĩa:
1.- Vì muốn cho chánh pháp có phần quý trọng, có quý trọng mọi người mới sanh lòng khao khát ngưỡng vọng, có khao khát ngưỡng vọng mới có lợi ích.
2.-Lòng của bồ tát lúc nào cũng tha thiết đối với sự lợi người lợi mình. Người cùng mình được lợi ích, không gì bằng nghe Phật thuyết pháp, nên đức Phật chưa nói mà bồ tát đã vội cầu thỉnh trước.
…
Mình và chúng hội hiện tại được thấy Phật, được nghe pháp âm, nhưng còn lo tương lai thiếu huệ nhật nếu đức Phật nhập diệt. Phật ở nơi đời là phước hội tối thắng cho quần sanh, nên bồ tát chí thành “Thỉnh Phật trụ thế mãi mãi”. Đây là điều nguyện thứ bảy.
…
Đã thỉnh Phật diễn nói phép mầu, tất đã thông hiểu. Nhưng nghe pháp mà thiếu tư duy tu tập, thời đâu có thể đạt đến kết quả giải thoát thành Phật. Muốn thành Phật, phải đi đúng theo con đường của Phật đã đi. Nghĩa là phải thực hành những công hạnh như Phật đã làm trước khi thành Phật và sau khi thành Phật. Nên điều nguyện thứ tám “Thường học đòi theo Phật” nối liền với điều nguyện “khuyến thỉnh”. (Chữ học trong đây có nghĩa là học tập thực hành).
…
Pháp thân do phước đức và trí huệ mà trang nghiêm. Trí huệ cùng phước đức được viên mãn, tức là thành Phật hoàn toàn. Tư duy tu tập chính để rèn luyện trí huệ, còn từ bi lợi sanh chính là vun trồng phước đức, mà đồng thời cũng là bổ túc cho trí huệ do sự kinh nghiệm. Vì thế nên công hạnh độ sanh lợi tha do từ bi tâm là phận sự khẩn thiết của các bậc bồ tát đắc nhẫn (Đắc nhẫn nói đủ là Đắc Vô sanh nhẫn, nghĩa là bậc bồ tát đã chứng Vô sanh giải thoát) mà thành điều nguyện thứ chín “Hằng tùy thuận chúng sinh” (Hai chữ tùy thuận ở nơi đây chính ý là thiết tha lân mẫn chúng sinh, chiều theo chỗ hạp nghi nguyện vọng trong sạch của chúng sinh, mà thi hành những phương pháp gì để chúng sinh được lợi ích trên đường giải thoát khỏi khổ…).
…
Bồ tát đã lấy từ bi làm lòng, nên chúng sinh khổ là mình khổ, chúng sinh vui là mình vui, tất cả công hạnh tu tập chính là vì chúng sinh mà tu tập, nên bồ tát có bao nhiêu công đức đều hồi hướng cho cả pháp giới chúng sinh, mong cho muôn loài chóng thoát khổ sanh tử, đồng sớm được thành Phật. Đây là điều nguyện thứ mười “Phổ giai hồi hướng” của bồ tát.
Mười nguyện vương đã thuộc cảnh giới bất tư nghị, thời đâu còn phải ở trong phạm vi ngữ ngôn văn tự, chỉ tùy chỗ sở đắc thánh trí của hành giả tự chứng tỏ lấy. Nhưng vì muốn cho các hàng sơ cơ hiểu được phần nào nơi ý nghĩa trong phẩm này, nên tôi mới trắc đạc viết ra những lời lược luận trên đây. Đồng thời cũng mong mọi người, do sự hiểu biết phần nào ấy, mà phát tâm tín thọ, trì tụng phẩm này, để được vô lượng công đức, như nguyên văn trong phẩm nói:
Này thiện nam tử! Các chúng sinh kia hoặc nghe hoặc tin nơi nguyện vương rộng lớn này, rồi thọ trì đọc tụng và giảng nói cho người nghe, công đức của chúng sinh kia chỉ có đức Phật Thế Tôn biết, ngoài ra không ai hiểu thấu.
Hoặc có người dùng lòng tin sâu chắc ở nơi mười điều nguyện rộng lớn này thọ trì, đọc tụng, cho đến biên chép một bài kệ bốn câu, thì sớm có thể dứt trừ được năm nghiệp vô gián, cả thảy thân bệnh, tâm bệnh, khổ não trong thế gian, cho đến tất cả các ác nghiệp nhiều như số cực vi trong cõi Phật đều được tiêu trừ, tất cả các quân ma, quỷ Dạ Xoa, quỷ La Sát, hoặc quỷ Cưu Bàn Trà, Tỳ Xá Xà, Bộ Đa v.v… các quỷ thần hung ác uống máu ăn thịt thảy đều lánh xa, hoặc nếu có gần gũi thời là hạng phát tâm theo hộ trì.
Vì thế nên người trì tụng nguyện này, thời đi trong thế gian không bị chướng ngại, như mặt trăng giữa lừng ra khỏi mây mù, các đức Phật, bồ tát đều khen ngợi, tất cả hàng nhơn thiên đều nên lễ kính, tất cả chúng sinh đều nên cúng dường. Người thiện nam tử này trọn được thân người đầy đủ bao nhiêu công đức của ngài Phổ Hiền, chẳng bao lâu sẽ như Phổ Hiền bồ tát mau được thành tựu sắc thân vi diệu, đủ ba mươi hai tướng tốt đại trượng phu… trọn có thể phá hoại tất cả đường ác, trọn có thể xa lìa tất cả bạn dữ, trọn có thể chế phục tất cả ngoại đạo, trọn có thể giải thoát tất cả phiền não… Lại người này lúc lâm chung, trong khoảnh khắc liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Lúc bấy giờ người ấy tự thấy mình gá sanh nơi hoa sen báu, được đức Phật A Di Đà thọ ký. Sau khi được thọ ký rồi, trải qua vô số trăm ngàn ức na do tha kiếp, khắp cả mười phương tất cả thế giới, dùng sức trí huệ tùy theo tâm của chúng sinh mà làm lợi ích. Chẳng bao lâu sẽ ngồi nơi Bồ đề đạo tràng, hàng phục quân ma, thành bậc Đẳng chánh giác giảng nói pháp mầu vi diệu…
Tháng đầu xuân năm Đinh-Dậu (1957)
Phật lịch Quốc-Tế 2501
HÂN T ỊNH T Ỳ-KHEO THÍCH TRÍ-TỊNH
Comments
Post a Comment